Quản lý lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam

Quản lý lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam

Rừng cộng đồng phát triển nhanh từ ý tưởng đến luật pháp và đến các dự án trên thực địa.

Vào năm 2004, lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam có bước ngảy vọt từ ý tưởng đến luật pháp. Lần đầu tiên các cộng đồng được pháp luật công nhận là những người quản lý rừng. Ba năm sau, chính phủ bắt đầu Chương trình Thí điểm Quản lý Rừng Cộng đồng tại 64 bản ở 10 tỉnh. Hiện tại, khi nền tảng pháp lý đã được hình thành, những bài học kinh nghiệm hữu ích sẽ được rút ra từ chương trình thí điểm vì mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia, chương trình Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng của Việt Nam đã có cơ sở để mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

 

Lược sử ngắn gọn

 

Lâm nghiệp cộng đồng truyền thống có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, nhưng sự hỗ trợ của nhà nước chỉ xuất hiện sau thời kỳ Đổi Mới – thời kỳ cải cách kinh tế và đất đai bắt đầu từ năm 1986. Trong các chương trình cải cách này, một phần tư diện tích rừng toàn quốc được chuyển đổi quản lý từ quốc doanh sang các hộ gia đình và cá nhân. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, chính phủ đã tiến hành giao rừng cho các cộng đồng dân cư thôn bản để thử nghiệm mô hình Quản lý Rừng Cộng đồng dưới sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và trong khuôn khổ các chương trình, dự án cấp quốc gia.

 

Tuy nhiên, quản lý rừng cấp thôn bản chỉ thực sự được công nhận về mặt pháp lý sau khi Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng được ban hành năm 2004. Dựa trên bộ luật này và những bài học kinh nghiệm từ các dự án thí điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập Chương trình Thí điểm Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng vào năm 2006. Mục đích là để xây dựng một quy trình thực hiện lâm nghiệp cộng đồng dễ triển khai, bao gồm cả việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn cấp quốc gia về những thành tố chính như lập kế hoạch sử dụng đất mang tính lồng ghép, chia sẻ lợi ích và quản lý rừng, quản lý tài chính.

 

Vào giữa năm 2009, qua kinh nghiệm thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh và 64 bản, chính phủ ban hành Sổ tay hướng dẫn Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng. Trong quá trình thí điểm, chính phủ đã giao 17.000 ha rừng cho các cộng đồng và tập huấn cho hơn 150 cán bộ lâm nghiệp và 665 chủ hộ gia đình. Tất cả 64 bản đã phê duyệt kế hoạch quản lý và đã tiếp nhận nguồn vốn tài trợ; và xấp xỉ một nửa số bản đã chuẩn bị kế hoạch khai thác và đã bắt đầu tiến hành khai thác gỗ bền vững.

 

Trong khi việc ban hành những văn bản hướng dẫn quản lý và kỹ thuật ít nhiều được xem là một thành công, một số điểm hạn chế cũng đã được chỉ ra, bao gồm:

 

•     Không đủ thời gian để thực nghiệm hoàn chỉnh mô hình

 

•     Các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, các quy trình và quy tắc quá phức tạp

 

•      Tập trung vào sản xuất gỗ mà bỏ qua vai trò quan trọng của lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ sinh thái rừng

 

Mới được cơ cấu lại trong thời gian gần đây, Tổng cục Lâm nghiệp hiện đang xem xét giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng cấp quốc gia cho năm 2013.