Hội thảo: Góp ý dự thảo luật BV&PTR sửa đổi về công nhận, kế thừa và phát huy tri thức truyền thống và luật tục như một chiến lược quản lý rừng bền vững
Hội thảo được tổ chức với mục đích (1) Chia sẻ và thảo luận các vấn đề liên quan đến tri thức truyền thống, luật tục và kinh nghiệm thực tiễn của cộng đồng người dân và phụ nữ DTTS trong quản lý, bảo vệ rừng; và (2) Kiến nghị và đóng góp cho các quy định về công nhận, kế thừa và phát huy tri thức truyền thống, luật tục của cộng đồng người dân và phụ nữ DTTS trong quản lý, bảo vệ rừng trong dự thảo 5 của Luật BVPTR sửa đổi. Gần 60 đại biểu là đại diện lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện nhà tài trợ MRLG, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ có liên quan; các đại biểu đại diện cho các cộng đồng dân tộc thiểu số cùng các cơ quan truyền thông. Đặc biệt trong hội thảo lần này, gần 30 đại biểu là người dân tộc thiểu số (DTTS) như Thái, Mông, Mường, Dao Tiền, Tày, Nùng, Cơ Tu, Cơ Ho, Ba Na, Xê Đăng…đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, tại thời điểm tháng 7/2015, có hơn 13,34 triệu người là DTTS thuộc 53 nhóm dân tộc. Hầu hết cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng rừng núi. Rừng đối với họ ngoài giá trị về mặt sinh kế còn mang các giá trị văn hóa, xã hội, môi trường, tâm linh, tín ngưỡng và cả giá trị an ninh quốc phòng. Các khu rừng được quản lý bởi luật tục cũng đã hình thành từ rất lâu trong đời sống các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Các tri thức truyền thống và luật tục này xuất phát từ sự am hiểu thiên nhiên, am hiểu tác hại của sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, do vậy, dù đã sống với rừng hàng ngàn năm, sự cân bằng sinh thái ở miền núi vẫn được người dân duy trì.
Một số luật tục về bảo vệ và phát triển rừng còn được lưu truyền qua các thơ răn từ đời này sang đời khác. Ông Hồ Văn Bằng, phó ban quản lý rừng cộng đồng thôn A Ka, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ về lời răn dạy của cha ông truyền lại rằng:
“Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát.
Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo.
Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở.
Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở.
Cho mùa màng ta luôn bội thu.
Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn...
Mất rừng chim không còn tiếng hót.
Mất suối sông cá không còn hơi thở.
Mất mẹ rừng người Cơ Tu sẽ tàn vong”.
Ông Cà Chung, người dân tộc Thái tại Sơn La cũng cho biết:
Người Thái coi rừng là cái ô, là cái tóc của đất (Pá lỏ phôm, lỏ xũ pảy đin), đất hết rừng thì nước cạn (Đin mết pá nặm hảnh), ngàn hết cây thì đất chết (pũ mết mạy đin tai), đất chết thì hết sự sống (đin tai tễnh lai báu nhẵng đảy).
Tại hội thảo, các báo cáo trình bày đã nhấn mạnh vai trò của phụ nữ DTTS trong bảo vệ và phát triển rừng như là người giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền dạy tri thức bản địa cho thế hệ sau cũng như phổ biến những kiến thức kinh nghiệm mới. Các đại biểu trong hội thảo cũng đã nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của việc công nhận và phát huy tri thức truyền thống, luật tục của cộng đồng người dân và phụ nữ DTTS trong quản lý rừng, bảo vệ rừng. Một báo cáo khác đề cập đến các cam kết và nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam có tham gia cũng như sự cần thiết xem xét để có các điều luật liên quan đề cập đến việc (i) công nhận, kế thừa và phát huy tri thức truyền thống và luật tục của cộng đồng các DTTS và phụ nữ; (ii) công nhận các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý trong dự thảo 5 của luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi lần này.
Theo ông Lương Quang Hùng – Đại diện chương trình Quốc gia Việt Nam của RECOFTC cho biết: “Các cộng đồng DTTS và phụ nữ địa phương sống gần rừng có sự hiểu biết sâu sắc đối với các khu rừng nơi họ sinh sống và giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý và bảo vệ rừng bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia tuyên bố chung của LHQ về quyền của người bản địa (UNDRIP, tháng 9 năm 2007), quyết định 01/CP16 của UNFCCC tại Cancun, hướng dẫn tự nguyện về quản trị có trách nhiệm đối với quyền sở hữu đất đai, ngư trường và rừng trong bối cảnh an ninh lương thực quốc gia (VGGT), những tri thức truyền thống, luật tục của cộng đồng người dân và phụ nữ DTTS rất cần được tôn trọng, ghi nhận, và kế thừa. Thực tế ở nhiều địa phương chỉ ra rằng ở một số vùng người dân tộc thiểu số sinh sống, tri thức truyền thống và luật tục được gìn giữ, phát huy và gắn kết hợp lý với luật pháp của nhà nước, sẽ trở thành công cụ bảo vệ rừng cũng như trật tự xã hội rất hiệu quả.”
Dựa trên kết quả thảo luận, ban tổ chức đã soạn thảo và gửi Bản kiến nghị góp ý cho Dự thảo số 5 Luật BV&PTR sửa đổi tới các cơ quan ban ngành có liên quan như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Vụ Nông nghiệp Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương Đảng; Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Vụ Pháp chế Thanh tra, Tổng cục Lâm nghiệp Tổ thường trực xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng sửa đổi phục vụ cho việc thảo luận dự thảo này ở tổ vào chiều thứ tư, ngày 07/06/2017 và thảo luận ở hội trường vào sáng thứ hai, ngày 19/06/2017.
Nội dung cụ thể bao gồm:
- Cộng đồng dân cư được sở hữu rừng và cần được đảm bảo có quyền bình đẳng như những chủ rừng khác.
- Thừa nhận và phát huy tri thức truyền thống và luật tục của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng cần được coi là nguyên tắc và điều kiện cần thiết 2 trong phát triển rừng bền vững.
- Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng sửa đổi cần đưa nội dung không phân biệt, đặc biệt là ưu tiên khuyến khích đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững.
- Loại hình khu bảo tồn do cộng đồng quản lý, “…là một hệ sinh thái tự nhiên hoặc đã bị thay đổi một phần, trong đó chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái và văn hóa địa phương, được người bản địa và cộng đồng địa phương tự nguyện bảo tồn bằng luật tục hoặc bằng các giải pháp quản lý hiệu quả” (IUCN, 2004) cần được công nhận và phân định rõ là một phân loại trong hệ thống rừng đặc dụng.