Hội thảo quốc gia về quyền hưởng dụng của các chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng cùng các kiến nghị đối với dự thảo số 5 của Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng sửa đổi
64 đại biểu tham gia là các đại diện đến từ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tổng cục Lâm nghiệp, nhà tài trợ MRLG, một số Chi cục Kiểm lâm, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ có liên quan; các chủ rừng là công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, hộ gia đình, cộng đồng và các cơ quan truyền thông đã tham dự hội thảo. Có 04 bản báo cáo và 05 bài thuyết trình đã được trình bày trong chương trình hội thảo buổi sáng và 4 chủ đề đã được 4 nhóm thảo luận sôi nổi và hiệu quả tại phiên họp buổi chiều. Đây là Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án Q-V-2016-0031“Chuẩn bị các khuyến nghị về các quy định pháp luật về quản lý rừng cộng đồng và quyền sở hữu rừng trong Luật Bảo vệ phát triển rừng sửa đổi tại Việt Nam”do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ thông qua Dự án Quản trị Đất vùng sông Mekong (MRLG).
Hội thảo được tổ chức với mục đích chia sẻ, thảo luận các vấn đề liên quan đến quyền hưởng dụng của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với quá trình bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương và đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với bản dự thảo số 5 của Luật bảo vệ phát triển rừng (BVPTR) sửa đổi trước khi trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/5/2017 và bế mạc vào ngày 20/6/2017.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Hứa Đức Nhị, chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam đã đề cập đến các vấn đề về Quyền của chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng dưới góc nhìn của Hội. Trong bài tham luận của mình ông nêu rõ các quy định trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 và trong Dự thảo luật sửa đổi chưa cụ thể hóa được tư cách pháp nhân của cộng đồng dân cư nhưng lại quy định về “Năng lực quản lý rừng bền vững” vô hình chung đã thu hẹp cơ hội để họ có thể được giao rừng, thuê rừng phát triển sinh kế và quản lý rừng bền vững. Theo ý kiến của ông, trong Dự thảo mới cần loại bỏ những quy định không phù hợp, cụ thể các quy định và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng họ được giao, được thuê.
Tại buổi hội thảo, nhóm Chuyên gia của RECOFTC – đại diện là ông Nguyễn Quang Tân và ông Lương Quang Hùng đã trình bày các kết quả nghiên cứu đánh giá hiện trạng và qua đó đưa ra các đề xuất góp ý trực tiếp cho các điều khoản luật trong bản dự thảo số 5 của Luật BVPTR sửa đổi đối với các vấn đề liên quan đến (i) giao rừng cho cộng đồng dân cư và quản lý rừng cộng đồng; (ii) Quyền của hộ gia đình, cá nhân đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng; (iii) hợp tác và liên kết của cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp.
Thông qua việc rà soát các chính sách và quy định pháp luật có liên quan đến các nội dung trên, nhóm chuyên gia đã tổng hợp và phân tích các điểm mạnh và điểm yếu của các nội dung văn bản pháp luật hiện có đồng thời tiến hành khảo sát hiện trường kết hợp tham vấn các bên liên quan từ cấp tỉnh, huyện, xã và thôn ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Yên Bái.
Liên quan đến vấn đề giao rừng cho cộng đồng và quản lý rừng cộng đồng, nhóm nghiên cứu đề xuất bổ sung khái niệm “Lâm nghiệp cộng đồng”, “Quản lý rừng theo luật tục” dự kiến đưa vào dự thảo Điều 3 giải thích từ ngữ, đưa vào Điều 27 Quản lý rừng bền vững “Nhà nước khuyến khích phát huy các truyền thống quản lý rừng của cộng đồng…”có thể đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng bền vững tại địa phương. Ngoài ra, nhiều khu rừng tự nhiên giao cho cộng đồng là rừng nghèo kiệt đã được người dân bỏ công sức để phục hồi lại rừng nhưng chưa được công nhận, nhóm chuyên gia đề xuất cần hoàn thiện thêm Các hình thức sở hữu rừng cho cá nhân, hộ gia đình trong bản Dự thảo, cũng như đề xuất sửa đổi trong Điều 46 về Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được giao rừng do cộng đồng đã thành công trong quản lý rừng cho mục đích sinh thái, văn hóa và kinh tế. Bên cạnh đó, theo Quyết định 01/QĐ-TCLN-VP ngày 6/1/2016 của TCLN, Cục Kiểm lâm được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối về LNCĐ. Việc quy định rõ ràng trách nhiệm này trong Luật BVPTR sẽ giúp cơ cấu thực thi, hỗ trợ LNCĐ tại hiện trường rõ ràng hơn. Đặc biệt là cần cho người dân quyền khai thác lâm sản từ rừng sản xuất là rừng trồng theo phương án QLRBV sẽ khuyến khích người dân đầu tư vào phát triển rừng trồng.
Thấu hiểu được vai trò của cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp cũng như nhu cầu hợp tác, liên kết ở các địa phương, nhóm chuyên gia cũng đề nghị bổ sung quy định “được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng” vào khoản d, Điều 46 hay bổ sung nội dung “Nhà nước có…ưu đãi cho các cộng đồng và hộ gia đình liên kết trồng rừng theo hướng gỗ lớn và gỗ có chứng chỉ, đặc biệt cho các năm ở cuối chu kỳ…” vào Điều 79 để các chủ rừng vừa và nhỏ có thể kéo dài chu kỳ sản xuất và tạo động lực phát triển rừng bền vững.
Cũng tại buổi hội thảo này, ông Hoàng Xuân Thủy, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng đã nêu lên ý kiến về việc thừa nhận khu bảo tồn do cộng đồng quản lý. Hình thức quản lý khu bảo tồn bởi cộng đồng hiện nay đã được công nhận tại 17 quốc gia trên thế giới, dù chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng tỷ lệ các khu bảo tồn/ diện tích quản lý bởi cộng đồng đang có xu hướng tăng lên. Qua phân tích, ông Thủy nhận định nền tảng pháp lý trong khuôn khổ pháp luật hiện hành và dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi là hoàn toàn khả thi trong việc thúc đẩy thừa nhận việc thành lập các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý. Điều này sẽ góp phần mở rộng thêm các diện tích rừng bảo tồn nhưng giảm chi phí đầu tư và quản lý của nhà nước đồng thời đảm bảo lợi ích chính đáng và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với nguồn tài nguyên; cải thiện mối quan hệ trong quản lý tài nguyên giữa các bên, duy trì kiến thức văn hóa bản địa, hài hòa lợi ích giữa bảo vệ rừng với đời sống văn hóa, tinh thần và góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương, ông Thủy chia sẻ.
Trong phiên Hội thảo buổi chiều, các đại biểu đã được chia thành 4 nhóm để thảo luận sâu về các vấn đề liên quan đến 4 chủ đề chính: (i) giao rừng cho cộng đồng dân cư và quản lý rừng cộng đồng; (ii) Quyền của hộ gia đình, cá nhân đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng; (iii) Hợp tác và liên kết của cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp và (iv) Thừa nhận khu bảo tồn do cộng đồng quản lý. Kết quả của 4 nhóm thảo luận này sẽ được tiếp thu và bổ sung vào bản kiến nghị của Hội thảo để gửi đến các cơ quan liên quan đến việc soạn thảo luật BVPTR sửa đổi.