RECOFTC Viet Nam
सूचना

Hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường tiếng nói của các bên tham gia ngoài nhà nước để cải thiện quản lý rừng trong vùng sông Mê Kông”

Ngày 16/8/2017, Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFTC) phối hợp với các đối tác tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường tiếng nói của các bên tham gia ngoài nhà nước để cải thiện quản lý rừng trong vùng sông Mê Kông” tại Hà Nội.

Hơn 50 đại biểu từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức PCP quốc tế và trong nước, các hiệp hội, các tổ chức xã hội dân sự (CSO), các tổ chức giáo dục, đào tạo, các chương trình, dự án quốc tế và trong nước, các cơ quan báo chí đã tham dự Hội thảo.

v4mf 1

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu về dự án và kế hoạch thực hiện tại cấp vùng và cấp quốc gia, tìm kiếm hiểu biết chung về quản trị rừng: khái niệm, nội dung và các nguyên tắc của quản trị rừng; tham vấn đại biểu về các thách thức trong việc cải thiện quản trị rừng tại Việt Nam và giải pháp, đồng thời cập nhật về các sáng kiến liên quan tới quản trị rừng hiện đang được thực hiện tại Việt Nam.

Phần đầu Hội thảo, ông Etienne Delatite – điều phối viên cấp vùng của RECOFTC giới thiệu chung về dự án cấp vùng. Theo đó, dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được triển khai trên quy mô vùng và bao quát 5 quốc gia khu vực Mê Kông (Lào, Cam-pu-chia, My-an-ma, Thái Lan, Việt Nam) với tổng kinh phí trị giá 5,8 triệu USD. Dự án đặt mục tiêu "đến năm 2021, các bên tham gia ngoài nhà nước trong vùng sông Mê Kông được trao quyền, kết nối, tham gia đánh giá, giám sát và ứng phó phù hợp nhằm tăng cường quản trị lâm nghiệp, đặc biệt đối với Hiệp định đối tác tự nguyện - Kế hoạch hành động của EU về Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT-VPA) và REDD+ (Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng)". Tại Việt Nam, Dự án được ba tổ chức phối hợp thực hiện là RECOFTC, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Trung tâm con người và Thiên nhiên (PanNature).

v4mf 2

Tại Hội thảo, kế hoạch thực hiện các hoạt động của dự án tại Việt Nam trong năm đầu tiên cũng đã được trình bày. Nhiều mối quan tâm và câu hỏi liên quan đến dự án và quá trình thực hiện dự án đã được đặt ra và được các điều phối viên quốc gia và cấp vùng của RECOFTC hồi đáp. Cũng tại đây, các đại biểu đã thảo luận nhóm, chia sẻ kết quả thảo luận và đi đến khái niệm chung về quản trị rừng – khái niệm nền tảng để thực hiện và quản lý dự án.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể trong huy động các tổ chức xã hội, các bên liên quan tham gia và thúc đẩy thành công của tiến trình đàm phán VPA, FLEGT và chuẩn bị cho việc sẵn sàng thực hiện REDD+. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích phát triển kinh tế khác, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường xuất khẩu… Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam phải hướng tới một nền quản trị tốt trong lâm nghiệp, trong đó cần đẩy mạnh hơn các chủ trương về tái cơ cấu ngành, xã hội hóa ngành lâm nghiệp để gắn kết và thúc đẩy sự tham gia cùng nhà nước của các tổ chức, doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh minh bạch và giải trình trong ngành lâm nghiệp.

v4mf 3

Trước đó, tại Hội thảo khởi động cấp khu vực hồi tháng 4 vừa qua, ông Jenni Lundmark, Giám đốc Dự án của Phái đoàn Liên minh Châu Âu đã chia sẻ: 

“Liên minh Châu Âu tự hào về dự án này. Chúng tôi quan tâm đến lâm nghiệp cộng đồng và nỗ lực cải thiện quản trị lâm nghiệp bởi vì chúng có mối liên hệ sâu sắc với giảm nghèo và phát triển môi trường bền vững. Chúng tôi cho rằng dự án này sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững lâu dài trong khu vực, giảm nghèo thông qua quản trị rừng bền vững và sau cùng là tạo nền tảng cho sự thành công của Hiệp định thương mại gỗ hợp pháp giữa EU và các nước vùng Mê Kông”.

v4mf 4