Hội thảo tham vấn báo cáo rà soát chính sách quản lý rừng bền vững ở Việt Nam
Gần 50 đại biểu tham dự là các đại biểu từ các cơ quan chính phủ (Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp), các cơ quan đối tác, đại diện các cơ quan lâm nghiệp nhà nước, đại diện các cơ quan quản lý rừng địa phương, đại diện các Viện, Vụ liên quan.
Tại Hội thảo, TS. Đào Công Khanh – đại diện nhóm tư vấn đã trình bày tóm tắt các kết quả chính trong bản dự thảo Báo cáo rà soát chính sách, trong đó đưa ra đánh giá về các chính sách quản lý rừng bền vững (QLBVR) và chứng chỉ rừng (CCR) hiện nay của Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh quốc tế. Báo cáo nêu rõ: đến nay, dù Việt Nam đã có khung chính sách về QLRBV và CCR tương đối đầy đủ và có tính khả thi cao, song chỉ mới đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của QLBVR của Việt Nam và Quốc tế. Báo cáo cũng đã nêu lên các tồn tại cần khắc phục như thiếu các chính sách về bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; chính sách khai thác gỗ, lâm sản chưa đáp ứng yêu cầu của Quốc tế và thực tiễn sản xuất của Việt Nam; chính sách về tiêu thụ, sử dụng sản phẩm gỗ sau khai thác chưa phù hợp, chưa khuyến khích được các chủ rừng nâng cao giá trị lâm sản như yêu cầu của QLRBV; thiếu các chính sách về môi trường cho chủ rừng thực hiện…
Sau khi nghe các kết quả báo cáo, nhiều ý kiến từ đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cán bộ chương trình từ các tổ chức đã đưa ra ý kiến góp ý và câu hỏi về báo cáo. Các ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung chính như cần có bảo hiểm để khắc phục rủi ro cho người dân, đặc biệt là hộ gia đình, HTX, các tổ chức kinh tế nhỏ; nhà nước cần đánh giá Thông tư 38/BNN&PTNN sau 1 năm thực hiện để có những bổ sung cho phù hợp thực tiễn; thiếu nguồn kinh phí đánh giá chất lượng rừng FSC hàng năm… Ông Phan Văn Nhã – đại diện doanh nghiệp nhà nước VINAPACO đề xuất các khu rừng có chứng chỉ vẫn được hưởng dịch vụ môi trường rừng, để khuyến khích người dân tại địa phương vừa tham gia bảo vệ rừng vừa phấn đấu đạt chứng chỉ.
Từ phía doanh nghiệp, ông Lê Quang Đạo – PGĐ Công ty Lâm nghiệp Sông Kon, Bình Định cho rằng nhà nước cần có chiến lược tập trung đào tạo về CCR cho các công ty nhà nước và lôi kéo người dân tham gia để đạt được mục tiêu dài hạn 30% diện tích rừng được cấp chứng chỉ. Hơn nữa, ông Đạo đề xuất nếu có chứng chỉ công ty phải được tự khai thác mà không cần đấu giá mới hợp lý. Hiện nay các công ty phải đấu giá khai thác rừng gây vấn đề cho doanh nghiệp.
Dự kiến sau khi thu thập được ý kiến đóng góp từ các bên liên quan, dự thảo báo cáo sẽ được hoàn thiện, trong đó đề cập rõ các chính sách liên quan đến QLRBV cần được sửa đổi, bổ sung và đề xuất chính sách mới cho QLRBV và CCR ở Việt Nam.