Tính bền vững của Hội Chủ rừng Việt Nam là mối quan tâm hàng đầu tại Hội thảo Tổng kết dự án VIFORA
Gần 50 đại biểu từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức NGO, các thành viên Hội Chủ rừng (HCR) tham gia dự án từ ba tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Quảng Ninh, nhà tài trợ và báo chí đã tham gia Hội thảo.
Sau hai năm thực hiện, dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó, thành tựu nổi bật là Hội Chủ rừng Việt Nam đã được thành lập với sự thông qua của Bộ Nội vụ. Đến nay, Hội đã xây dựng, xuất bản được Điều lệ Hội và có gần 300 Hội viên là các Chủ rừng của nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Sau khi thành lập Hội, một số Hội thảo tập huấn nhằm phát triển các kỹ năng cần thiết cho Hội viên HCR như kỹ năng thúc đẩy cuộc họp, truyền thông, huy động nguồn lực, kỹ thuật trồng cây gỗ lớn, và các kiến thức cơ bản về phân tích, đánh giá và phát triển thị trường… đã được tổ chức trong khuôn khổ dự án. Các khóa tập huấn được xây dựng dựa trên cơ sở đánh giá nhu cầu học viên. Các học viên của lớp Tập huấn cho Tập huấn viên cũng đã tổ chức tập huấn lại cho cơ sở dưới sự thúc đẩy của các thành viên dự án. Ngoài ra, Hội viên HCR đã được tham quan mô hình trồng cây gỗ lớn tại Quảng Trị và mô hình Ngân hàng cây tại Sakeo-Thái Lan. Tận mắt chứng kiến cách người dân Thái Lan tận dụng các nguồn lực từ rừng để tạo ra các sản phẩm có giá trị cho đời sống và mang lại thu nhập, Hội viên HCR cảm thấy phấn khích và có thêm động lực để tìm ý tưởng phát triển kinh tế rừng cho gia đình và địa phương sau khi trở về.
Trong Hội thảo Tổng kết, ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam đánh giá:
“Hội Chủ rừng Việt Nam ra đời là một thành quả quan trọng của những người làm việc lâu năm với rừng và tâm huyết với rừng. Đây sẽ là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp để các Chủ rừng trong các nước chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về rừng.”
Tại Hội thảo tổng kết dự án, Hội Chủ rừng cũng đã đúc rút các bài học kinh nghiệm trong thời gian đầu hoạt động và thảo luận kế hoạch của Hội giai đoạn 2018-2020. Tính bền vững của Hội Chủ rừng sau khi dự án kết thúc là mối quan tâm chung của các chuyên gia lâm nghiệp và các Chủ rừng. Các ý kiến cho rằng, Hội có thể trở thành một tổ chức độc lập thông qua việc cung cấp dịch vụ về lâm nghiệp cho Hội viên và các bên liên quan; Hội có thể hỗ trợ các Chi hội tại địa phương mảng phát triển thị trường hoặc xây dựng các mô hình sinh kế cho Chi hội hoặc kết nối các Chủ rừng địa phương với các nguồn vốn vay ưu đãi… Tuy nhiên, các đại biểu đều đồng thuận với ý kiến cho rằng vai trò tác động về mặt chính sách của Hội là vô cùng quan trọng: Làm thế nào để Hội tác động tới các cơ quan liên quan nhằm cho ra đời các chính sách hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế từ rừng.
Về phía Hội Chủ rừng, dù đã đạt được những thành tựu bước đầu, Ban vận động thành lập Hội đã nhận thức được các khó khăn phía trước và những mong đợi của các Chủ rừng. Hội cam kết tiếp tục nỗ lực nhằm xây dựng năng lực cho các thành viên Hội và phát triển Hội thành một tổ chức vững mạnh. Để đạt được các mục tiêu trên, Hội mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế trong thời gian tới.