RECOFTC Viet Nam
ข่าวสาร

Tuần lễ Lâm nghiệp Châu Á TBD: Một trải nghiệm thú vị của tôi

Tên tôi là Nguyễn Thị Minh Hương, cán bộ truyền thông của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF). Công tác tại VNFF từ năm 2013 đến nay, công việc chính của tôi là lập kế hoạch, thực hiện các hoạt động truyền thông của VNFF đồng thời hướng dẫn, phối hợp với các tỉnh tổ chức, thúc đẩy hoạt động tuyên truyền về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại địa phương.
RECOFTC News

Các hoạt động này góp phần phổ biến chính sách về DVMTR rộng rãi đến các đối tượng, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng núi, các đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực thi nghiêm túc Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chi trả DVMTR.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Châu Á thực hiện sáng kiến về chính sách chi trả DVMTR. Công tác truyền thông về chính sách mới do vậy được đặc biệt coi trọng bởi lãnh đạo VNFF. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông của VNFF nhìn chung còn nhiều khó khăn do năng lực cán bộ truyền thông ở trung ương và địa phương còn hạn chế, thiếu kỹ năng lập chiến lược truyền thông dài hạn; các hoạt động truyền thông còn mang tính nhỏ lẻ, rời rạc, do vậy hiệu quả đạt được chưa cao.

Từ ngày 22-26/02/2016, dưới sự hỗ trợ của RECOFTC, tôi đã tham dự Tuần lễ lâm nghiệp Châu Á Thái Bình Dương 2016 và Hội thảo Truyền thông có sự tham gia của Cộng đồng tại Philippines. Đây là một sự kiện lớn trong khu vực Châu Á-TBD về lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có một phiên thảo luận về truyền thông trong lâm nghiệp. Đó chính là chủ đề liên quan đên công việc tôi đang làm, do vậy tôi rất háo hức tham dự. Tôi nhận thấy đây là cơ hội quý báu để tôi được trải nghiệm, được gặp gỡ các đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới và học hỏi thêm về cách làm truyền thông của họ nhằm áp dụng vào công việc của tôi tại VNFF, hướng dẫn các địa phương cùng thực hiện.

1
Các đại biểu tham gia trình bày quan điểm tại Tuần lễ Lâm nghiệp CA-TBD

Tại Hội thảo truyền thông, tôi được giới thiệu về 18 bước phát triển truyền thông có sự tham gia của cộng đồng được chia thành 3 nhóm: (i) Hiểu biết, liên hệ, nghiên cứu: Hiểu rõ vấn đề muốn truyền tải, thiết lập mối quan hệ với cộng đồng địa phương (đối tượng truyền thông chính) và xác định các bên liên quan chủ chốt để đạt được mục tiêu truyền tải; (ii) Lập kế hoạch và phát triển chiến lược truyền thông: Bước này yêu cầu cán bộ truyền thông phải xác định rõ mục tiêu truyền thông, thông điệp, chủ đề và nội dung muốn truyền đạt, sử dụng các công cụ truyền thông, phương tiện truyền thông (tài liệu, ấn phẩm cần được kiểm tra, kiểm soát, tham khảo ý kiến các bên trước khi phát hành); (iii) Đánh giá kết quả: ghi nhận kết quả, hiệu quả đạt được, rút ra bài học để tiếp tục phát triển, hoàn thiện chiến lược truyền thông tiếp theo.

Đối với bản thân tôi, bước truyền thông thuộc nhóm 2 mang nhiều nét tương đồng với hoạt động truyền thông của VNFF. Việc phân định rõ các bước, giúp tôi nhận ra được những thiếu sót có thể xảy ra trong phát hành ấn phẩm truyền thông và có sự điều chỉnh để phù hợp đối với từng đối tượng.

Tại hội thảo, tôi cũng được tham khảo một số bài học từ các tổ chức thế giới (Dự án của Hội đồng nghiên cứu quốc gia ở Philippines và Trường Cao đẳng Phát triển truyền thông UP Los Banos; Tổ chức Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC), Pannature Việt Nam, AFSN và nhận thấy tính hiệu quả khi thực hiện các bước truyền thông này. Ngoài ra, tôi cũng khá ấn tượng với phần hướng dẫn của FAO về các cách làm việc hiệu quả với phương tiện truyền thông xã hội như xác định nội dung cần truyền đạt, thủ thuật khi liên hệ với kênh báo chí, tổ chức họp báo hay các bước cần chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn.

2
Đại biểu tham dự Tuần lễ Lâm nghiệp CA-TBD

Tôi thấy rất vui vì không khí hội thảo rất cởi mở: mọi người đều nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và nội dung tại hội thảo rất bổ ích. Bên cạnh đó, tôi đã trở thành một thành viên của Diễn đàn mạng lưới truyền thông Lâm nghiệp Châu Á (APFCN). Thông qua mạng lưới này, tôi sẽ chủ động kết nối để học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của các chuyên gia truyền thông trong khu vực nhằm áp dụng vào công việc của tôi tại VNFF.

Trong thời gian tới, VNFF sẽ tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng truyền thông cho cán bộ truyền thông từ trung ương đến địa phương. Đây là cơ hội tốt để tôi có thể chia sẻ, truyền tải những kiến thức từ hội thảo đến các cán bộ khác, đặc biệt về bước lập kế hoạch, phát triển chiến lược truyền thông, thông điệp và sử dụng công cụ truyền thông. Bên cạnh đó, hàng năm VNFF đều phát hành các ấn phẩm tuyên truyền như bản tin, poster, tờ rơi, sổ tay... Với những kiến thức được chia sẻ từ Hội thảo, tôi và đồng nghiệp của VNFF sẽ nỗ lực để cải thiện nội dung và chất lượng nhằm cho ra đời những ấn phẩm hữu ích mang lại tác động tích cực tới nhận thức của đối tượng cần tiếp truyền thông.

Truyền hình, báo chí là những kênh truyền thông luôn đồng hành với các hoạt động của VNFF. Trong sự kiện sơ kết 8 năm triển khai hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR sắp tới, bộ phận truyền thông sẽ cần làm việc với các kênh truyền thông như truyền hình, phát thanh và báo in… Các kỹ năng, thủ thuật làm việc với báo chí được học tại hội thảo sẽ trở nên hữu ích để tôi đạt được hiệu quả làm việc cao nhất.

Hiện tại, VNFF đang tham gia xây dựng phóng sự, làm các đối thoại chính sách trên truyền hình về chính sách chi trả DVMTR (dự kiến phát sóng tháng 10/2016) và  thường xuyên có những buổi phỏng vấn lãnh đạo VNFF trên truyền thông. Đây là những cơ hội tốt để tôi có thể vận dụng những kỹ năng đã tiếp cận tại hội thảo về phỏng vấn, điều phối phỏng vấn và làm việc với báo chí để đạt được hiệu quả truyền thông tối ưu và tiếp cận rộng rãi được tới người dân.

3
"Tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích từ sự kiện này"

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) là một tổ chức tài chính Nhà nước, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển rừng Việt Nam, nhằm huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, góp phần thực hiện chiến lược phát triển Lâm nghiệp đến năm 2020.

Ở cấp Trung Ương, VNFF truyền thông thông qua các ấn phẩm như Tờ rơi, Poster, Bản tin, Sổ tay hướng dẫn... Chúng tôi cũng truyền thông bằng các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí, tạp chí ngành và ngoài ngành và trên website chính thức của VNFF cũng như mạng xã hội Facebook. Tùy theo đối tượng, chúng tôi có các hình thức truyền thông khác nhau như tổ chức các cuộc thi rộng rãi trong cả nước, cuộc thi vẽ tranh cho học sinh vùng núi hoặc thiết kế các sản phẩm truyền thông như áo, mũ, vở, mũ bảo hiểm… Các sản phẩm truyền thông cấp tỉnh có thể bao gồm cả các biển báo trên đường quốc lộ...