Vong Sopanha cảm thấy khá bế tắc khi mà văn phòng làm việc của mình ở rất xa những cánh rừng. Thông minh, tham vọng và là người phụ nữ đầu tiên của Campuchia có tấm bằng đại học về khoa học lâm nghiệp và cô rất được kỳ vọng sẽ mang lại những đổi mới trong ngành lâm nghiệp.
Nhưng nội chiến xảy ra vào đầu những năm 1990 tại Campuchia và người ta quy định, chỉ có những cán bộ lâm nghiệp là nam giới mới được vào rừng làm việc với các cộng đồng địa phương.
“Tôi yêu thiên nhiên, tôi muốn được làm việc trong rừng, tôi muốn được gặp gỡ các cộng đồng địa phương và học hỏi những kinh nghiệm truyền thống từ họ”, cô Vong đã chia sẻ như vậy sau khi nghỉ hưu. “Trong thời điểm chiến tranh, quá nguy hiểm để phụ nữ làm việc trong rừng bởi nơi đó thổ phỉ rất nhiều”.
Nhưng cơ hội đã đến với cô, năm 1993, cô tham gia một khóa học về lâm nghiệp cộng đồng tại nước láng giềng Thái Lan và sự nghiệp của cô đã có nhiều thay đổi.
Khóa học này do RECOFTC tổ chức, các học viên được học về lâm nghiệp cộng đồng và đây là khái niệm vô cùng mới mẻ trong khu vực. RECOFTC là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có sứ mệnh hỗ trợ các quốc gia trong khu vực và các cộng đồng địa phương đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động lâm nghiệp cộng đồng. Tại các khóa học của RECOFTC, học viên từ nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á được trang bị các kiến thức, khái niệm về tăng quyền cho các cộng đồng địa phương, nhóm người yếu thế nhằm quản lý và bảo tồn các khu rừng và vùng đất ngập nước nơi mà cuộc sống của các cộng đồng hoàn toàn phụ thuộc vào đó. “Ở Campuchia, rừng ở khắp mọi nơi, tỉnh nào cũng có rừng. Đây chính là cơ hội để tôi có thể đi khắp nơi trên đất nước, gặp gỡ các cộng đồng địa phương, nói chuyện và giúp đỡ họ. Tôi sẽ nói ‘tôi làm việc cho Chính phủ và tôi muốn biết các bạn cần trợ giúp gì’”.
Khóa học tại RECOFTC của Sopanha kéo dài 4 tháng và vào thời điểm đó, cô mới chỉ bắt đầu học tiếng Anh. Nhưng với sự quyết tâm, chăm chỉ và trợ giúp của bạn cùng phòng đến từ Malaysia, tiếng Anh của Sopanha đã trở nên tốt hơn rất nhiều. Những kiến thức từ lớp học đã giúp cô hiểu hơn rằng cộng đồng không chỉ có nhu cầu bảo vệ và phát triển các khu rừng của mình mà họ còn muốn nâng cao thu nhập và đời sống cho bản thân và gia đình mình nữa.
“Tôi nhớ một thầy giáo đến từ Mỹ dạy chúng tôi rằng muốn phát triển kinh tế từ rừng cộng đồng, cần phải biết rõ về thị trường và cách thức đầu tư hiệu quả. Đến tận bây giờ, những điều này vẫn luôn ở trong tâm trí tôi”, Sopanha tâm sự.
Phụ nữ là một phần của giải pháp
Vong và bạn học của cô ấy là những học viên đầu tiên trong chương trình đào tạo của RECOFTC. Hơn ba thập kỷ qua, đã có rất nhiều các khóa đào tạo như thế được RECOFTC tổ chức. Các khóa học được thiết kế đan xen giữa lý thuyết, phân tích các vấn đề của khu vực và thực hành tại nhiều địa điểm khác nhau với sự tham gia của các cộng đồng địa phương. Các khóa học của RECOFTC luôn tập trung nâng cao năng lực cho học viên của nhiều tổ chức và quốc gia đặc biệt trong bối cảnh đang có quá nhiều áp lực lên tài nguyên rừng của khu vực như dân số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
30 năm đã trôi qua, Vong đã trở thành lãnh đạo nữ cấp cao trong Tổng cục Lâm nghiệp Campuchia. Với vai trò là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cô đã có rất nhiều những đóng góp cho sự nghiệp phát triển lâm nghiệp cộng đồng ở đất nước cô, đặc biệt là việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động quản lý tài nguyên rừng cấp cơ sở.
Phụ nữ là người vào rừng kiếm thức ăn cho gia đình, thậm chí để bán và phải làm rất nhiều các nhiệm vụ khác trong gia đình như chăm sóc con cái, bố mẹ… Nam giới đảm nhiệm các hoạt động như tuần tra bảo vệ rừng, xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên, do việc thường xuyên đi rừng và khả năng quan sát bẩm sinh mà có những kỹ năng, kiến thức mà chỉ phụ nữ mới biết như mùa sinh sản và mùa khai thác của động thực vật trong rừng.
Vong Sopanha chia sẻ “Các khóa tập huấn của RECOFTC đã tạo cho phụ nữ sự tự tin và cung cấp những kỹ năng trong quản lý rừng, đồng thời giúp họ nhận biết được những bất bình đẳng đối với phụ nữ và tầm quan trọng của phụ nữ trong quản lý rừng bền vững”.
“Khi mỗi người lãnh đạo là nam giới đưa ra các quyết định cho cộng đồng của mình, họ cần tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của cộng đồng nói chung và phụ nữ nói riêng bởi phụ nữ mới là những người tiếp cận và sử dụng tài nguyên rừng nhiều nhất”.
“Tôi nói với họ rằng nếu bạn lập danh sách các hoạt động lâm nghiệp cộng đồng cần triển khai thì có rất nhiều hoạt động phụ nữ có thể đảm nhận được. Đó là bảo vệ rừng, giảm mất rừng và suy thoái rừng”. Vong Sopanha cũng là thành viên tổ xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Campuchia với sự trợ giúp kỹ thuật của tổ chức RECOFTC.
Rất nhiều cựu học viên của khóa tập huấn đầu tiên thập niên 1990 do RECOFTC tổ chức, trở về đất nước với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của lâm nghiệp cộng đồng trong nước và thành công như cô Vong Sopanha. Họ đã hành động và xây dựng được niềm tin rằng lâm nghiệp cộng đồng là giải pháp đảm bảo an toàn cho các khu rừng và giúp các cộng đồng địa phương thoát nghèo.
Cựu học viên của RECOFTC đã chia sẻ những kiến thức mình đã học được tới đồng nghiệp và bạn bè mình, phát triển các mạng lưới lâm nghiệp cộng đồng và xây dựng các dự án thí điểm với nhiều cộng đồng địa phương. Trong nhiều cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước, một số phòng ban về hoặc liên quan đến lâm nghiệp cộng đồng được hình thành; nhiều chính sách hợp tác trong quản lý rừng được ban hành, giảm áp lực cho các đơn vị quản lý rừng của nhà nước.
Đã có hơn 60,000 học viên đến từ nhiều quốc gia tham gia các khóa đào tạo của RECOFTC. Họ đã có nhiều đóng góp cho công cuộc cải cách chính sách ngành lâm nghiệp quốc gia để từ đó đẩy mạnh quyền hưởng dụng rừng và phát triển sinh kế cho cộng đồng. Tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, khoảng 5,3 triệu người đang tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp cộng đồng, quản lý tới 15 triệu hecta rừng và các khóa đào tạo của RECOFTC đã và đang hỗ trợ rất nhiều trong các hoạt động này.
Quy định mạnh mẽ
Lao Sethaphal, một trong những học viên đầu tiên do RECOFTC đào tạo, chia sẻ “trước đây, thay đổi chính sách có nghĩa là nói về những khái niệm mà không chỉ những cán bộ cao cấp, đôi khi là những cán bộ thiếu tin tưởng mà cả cộng đồng còn ít biết đến”.
Đầu những năm 1990, diện tích rừng của Campuchia bị suy giảm rất nhanh do việc khai thác rừng bừa bãi và sự bùng nổ của các công ty khai thác gỗ và Chính phủ rất cần những giải pháp để giải quyết vấn đề này. Lao, một cán bộ trẻ, người từng tham gia một số khóa đào tạo của RECOFTC, được sự ủng hộ của Chính phủ Campuchia, đã cùng với đồng nghiệp đã xây dựng các quy định trong khuôn khổ khung chính sách về lâm nghiệp cộng đồng.
“Đây là cơ hội tốt cho các cộng đồng địa phương”, anh Lao tâm sự, “Họ có quyền được quản lý và sử dụng tài nguyên rừng. Họ có quyền quyết định về việc quản lý rừng và sử dụng rừng như thế nào”.
Chính phủ Campuchia đã tổ chức nhiều cuộc họp tham vấn với cộng đồng, các tổ chức dân sự xã hội và các bên liên quan trong việc xây dựng chính sách về Lâm nghiệp cộng đồng. Thông tư về lâm nghiệp cộng đồng năm 2003 đã tạo ra những thay đổi lớn trong chính sách ngành lâm nghiệp Campuchia. Ba năm sau, hướng dẫn về việc cộng đồng xác định, thể chế và quản lý rừng đã được giới thiệu.
“Rất nhiều cuộc tham vấn lấy ý kiến xây dựng Thông tư, Hướng dẫn được tổ chức. Họ nói với chúng tôi rằng ‘chúng tôi muốn điều này, chúng tôi muốn thay đổi điểu kia’. Chúng tôi đã cố gắng đưa tất cả những mong muốn của người dân và các bên liên quan vào trong chính sách. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần rất nhiều thời gian, có khi cả năm trời”.
Đầu tiên, Lao đã tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các cộng đồng sống gần rừng. Tính đến thời điểm này, hàng trăm cộng đồng đã ký hợp đồng với các cơ quan chức năng để quản lý và bảo vệ rừng, giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân sống gần rừng.
Hiện tại, Lao đang nắm giữ vị trí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Campuchia. Lao làm việc nhiều với cộng đồng nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây mất rùng và suy thoái rừng, một vấn nạn lớn ở Campuchia. Lao khẳng định, những kiến thức và kỹ năng mà anh được trang bị thông qua các khóa đào tạo của RECOFTC là hết sức quý giá.
“Công việc của tôi hiện tại tập trung nhiều vào tổ chức các khóa tập huấn về thực thi chính sách lâm nghiệp cho cộng đồng chứ không chỉ mỗi lâm nghiệp cộng đồng. Tôi luôn vận dụng những kiến thức và kỹ năng mà RECOFTC đã trang bị cho tôi như làm thế nào để thúc đẩy học viên tham gia và hợp tác trong các hoạt động của tập huấn, xây dựng mối quan hệ với cộng đồng”.
“Điều quan trọng nhất tôi học được từ RECOFTC đó là làm sao hiểu được mong muốn của cộng đồng địa phương và cách để biến những điều đó thành hiện thực”.
Nghiên cứu - chìa khóa của thành công
Kim Sarin, chuyên viên cao cấp của Bộ Môi trường Campuchia, khóa học của RECOFTC là nguồn cảm hứng cho các hoạt động nghiên cứu của anh. Trong những năm qua, với những kỹ năng, kiến thức học được từ RECOFTC, anh đã nghiên cứu và đánh giá nhu cầu về tài nguyên rừng của các nhóm cộng đồng khác nhau, từ đó xác định các chỉ số sử dụng tài nguyên rừng và các chỉ số này là thước đo đánh giá sự thành công của các biện pháp can thiệp trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên rừng.
Sau khoảng thời gian dài làm việc với cộng đồng và giúp họ triển khai các hoạt động phát triển sinh kế, Kim nhận thấy rằng “Các kết quả nghiên cứu khoa học là bằng chứng quan trọng để thuyết phục cộng đồng cũng như các nhà hoạch định chính sách. Các khóa học của RECOFTC đã giúp tôi hiểu ra điều đó”.
Cuối những năm 1990, sau khi tham dự một khóa học của RECOFTC, Kim đã bắt đầu triển khai một dự án với cộng đồng địa phương ở miền nam tỉnh Kampot, nơi mà diện tích rừng và chất lượng rừng đang bị suy giảm bởi người dân phá rừng làm nương rẫy trồng lúa khiến cho tình trạng sạt lở đất trở nên vô cùng nghiêm trọng. Dự án của Kim đã khiến nhận thức của người dân thay đổi, họ đã làm việc với chính quyền địa phương để xây dựng kế hoạch bảo vệ và trồng phục hồi rừng tại các khu vực gần làng để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất và tăng năng suất mùa màng.
Để bảo vệ rừng, các quy định được đề xuất, người dân chỉ được phép vào rừng lấy măng, củi và các sản phẩm lâm sản ngoại gỗ khác để có thêm thu nhập. Dự án thành công và năm 2009 cộng đồng địa phương nhận được giải thưởng quốc gia.
“Người dân đã chia sẻ kinh nghiệm của họ với nhau và với các cán bộ dự án. Dự án đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng địa phương và họ đã thấy được tầm quan trọng và những lợi ích của công tác bảo vệ cảnh quan rừng”.
Quản trị rừng ở Campuchia thời điểm đó còn yếu nên việc quản lý các dự án lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, kỹ năng và phương pháp tiếp cận trong quản lý dự án thiếu nên đôi khi ảnh hưởng tới kết quả dự án.
"Sự tham gia của cộng đồng là con đường dẫn tới các khu rừng." Ông Kim Sarin nói
Các khóa đào tạo của RECOFTC rất quan trọng bởi bên cạnh những thông tin và kiến thức được chia sẻ thì việc hình thành các mạng lưới và sự hợp tác giữa các thành viên sau khóa học. Kim tin tưởng rằng các thách thức trong lâm nghiệp cộng đồng có thể vượt qua nếu như có sự tham gia của cộng đồng “sự tham gia của cộng đồng là con đường dẫn tới các khu rừng”.
Từ năm 1998, với những kết quả nghiên cứu của mình, Kim bắt đầu hỗ trợ các cộng đồng địa phương với hình thức doanh nghiệp cộng đồng. Cho đến nay 6 thôn đã hợp tác với nhau, cùng xây dựng dự án đầu tư và thống nhất tỷ lệ phân bổ nguồn vốn cho phát triển kinh tế hộ, bảo tồn và tuần tra rừng.
“Mâu thuẫn giữa các hộ dân liên quan đến tài chính và lấn chiếm đất đai cũng có xảy ra, tuy nhiên chúng tôi kiểm soát mâu thuẫn, tổ chức các buổi hòa giải và tìm kiếm giải pháp tốt nhất”.
Giải quyết mâu thuẫn là thách thức lớn
Các mâu thuẫn trong ngành lâm nghiệp luôn xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà các thể chế quản lý rừng như các hoạt động bảo tồn ở vườn quốc gia hay khu bảo tồn, trồng rừng cọ lấy dầu, khai thác trái phép gỗ và khai khoáng.. thường không xem xét đến các nhu cầu của các cộng đồng địa phương.
Các khóa đào tạo của RECOFTC cung cấp cho học viên các kỹ năng xử lý mâu thuẫn và đẩy mạnh hợp tác giữa các bên liên quan. Ricky Alisky Martin, cán bộ lâm nghiệp đầu tiên của Malaysia tham gia khóa học thứ nhất của RECOFTC về lâm nghiệp cộng đồng năm 1988, nhận ra rằng, phương pháp quản lý có sự tham gia là chìa khóa để giải quyết các mâu thuẫn.
Sau khóa học, quay trở lại quê hương, Martin và các đồng nghiệp của mình đã triển khai nhiều sang kiến có sự tham gia để giải quyết các mâu thuẫn giữa cộng đồng người bản địa với các cộng đồng khác sống phụ thuộc vào rừng và đa dạng sinh học tại Sabah.
Mặc dù còn rất trẻ nhưng Martin đã đảm nhiệm vị trí đứng đầu dự án phục hồi lưu vực sông tại khu bảo tồn thiên nhiên Kelawat nơi mà nhiều diện tích rừng đầu nguồn đã bị người dân chặt phá để sản xuất nông nghiệp. Martin đã tổ chức nhiều cuộc họp thôn bản, lấy ý kiến cộng đồng và cuối cùng đạt được thỏa thuận với chính quyền địa phương trong việc quy hoạch 200ha rừng do người dân đồng quản lý để phục vụ các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp và phát triển cộng đồng.
“Trước đó tôi chưa bao giờ biết đến khái niệm đồng quản lý cho đến khi tôi tham dự khóa học của RECOFTC”, Martin nói. Người dân và chính quyền địa phương đã cùng nhau lập kế hoạch và người dân đã trồng cây cao su, các loại cây ăn quả thân gỗ và lâu năm để ổn định đất, tăng số lượng nước trong lưu vực và nâng cao sinh kế cho người dân. Ở phân khu phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học, người dân phải chịu trách nhiệm bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ được phép khai thác tre nứa cho nhu cầu sử dụng của mình theo số lượng nhất định.
Hơn chục năm trước, ở vùng này không có bướm, cào cào, lợn rừng nhưng nay thì nhiều loài động vật đã quay trở lại.
Martin nhắc lại việc thành lập Ủy ban lâm nghiệp cộng đồng của Sabah vào năm 2000. Trước đó nhiều cuộc họp đã được tổ chức để giải quyết mâu thuẫn giữa người dân địa phương và cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Deramakot. Ví dụ như, dân làng muốn được làm chủ, cùng với khu bảo tồn quản lý và bảo vệ rừng, nhưng khu bảo tồn chỉ lắp đặt hệ thống dẫn nước từ suối về làng, tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng và thuê người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
“RECOFTC đã giúp tôi hiểu được rằng, việc trao đổi thông tin, nhu cầu và năng lực làm việc giữa các bên liên quan là rất quan trọng”, Martin nói.
Chính phủ Malaysia đã xây dựng Chiến lược Quốc gia về Lâm nghiệp cộng đồng hay lâm nghiệp xã hội với chương trình hành động trong 10 năm. Martin, hiện đang nắm giữ vị trí Trưởng ban Lâm nghiệp xã hội của Chi cục Quản lý rừng bền vững, Sở Lâm nghiệp Sabah, chia sẻ các mâu thuẫn luôn xảy ra giữa người dân, chủ rừng và chính quyền địa phương. Nhưng Martin cũng tin tưởng rằng đẩy mạnh lâm nghiệp xã hội sẽ là giải pháp để giải quyết những mâu thuẫn này.
“Sabah cần thực thi nhiều hoạt động lâm nghiệp cộng đồng để giúp ổn định và hài hòa các mâu thuẫn.” ông Ricky Alisky Martin nói
“Tỉnh Sabah có rất nhiều các hộ nghèo. Dân số gia tăng nhưng đất đai cho trồng trọt, chăn nuôi thì suy giảm. Áp lực lên các khu bảo tồn rừng ngày càng nhiều. Việc thực thi các chế tài xử phạt mạnh hơn cũng tạo ra nhiều mâu thuẫn giữa người dân và khu bảo tồn”.
“Sabah cần thực thi nhiều hoạt động lâm nghiệp cộng đồng để giúp ổn định và hài hòa các mâu thuẫn.”
Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là thành viên ASEAN cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng các chính sách về lâm nghiệp cộng đồng sau nhiều năm chuẩn bị. Trong nhiều năm trở lại đây, diện tích rừng ở Lào bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác rừng bất hợp pháp và phá rừng lấy đất nông nghiệp. Năm 2019, Chính phủ Lào đã có nhiều thay đổi về chính sách ngành lâm nghiệp nhằm kêu gọi đầu tư, sử dụng rừng bền vững và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rừng.
Bounpone Sengthong, Phó Cục trưởng, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào, đã tham khá nhiều khóa tập huấn của RECOFTC. Ông cho biết, hiện đã có hơn 1,000 thôn bản đệ trình kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng bền vững và trồng gỗ teak.
Theo ông Sengthong “Điều quan trọng là phải triển khai các kế hoạch quản lý rừng cấp thôn bản sao cho hiệu quả nhất, các cán bộ lâm nghiệp cần hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn và cộng đồng cần được trang bị thêm các kỹ năng và kiến thức”.
Chuẩn bị cho tương lai
Giảng viên môn Quản lý tài nguyên rừng của Trường đại học Kasetsart (Bangkok, Thái Lan), ông Surin Onprom rất quan tâm đến tương lai của các khu rừng. Rừng và con người ở khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với quá nhiều các thách thức như biến đổi khí hậu, mất rừng và suy thoái rừng, bất bình đẳng giới. Theo ông Surin, sinh viên các trường đại học cần được trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết để vượt qua các thách thức này.
“Sinh viên là các nhà lãnh đạo, những người ra quyết định trong tương lai. Nếu chúng ta muốn thay đổi tương lai, hay bắt đầu từ thế hệ hiện tại”.
Ông Onprom đã giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp cộng đồng hơn 20 năm. Nhằm đảm bảo tương lai cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, Thái Lan cần đạt được làm tốt quyền hưởng dụng rừng cho cộng đồng trong đó quyền theo luật tục cần được thừa nhận chính thức.
Gần đây, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Luật Lâm nghiệp cộng đồng, bản dự thảo luật đầu tiên được biên soạn cách đây 30 năm. Luật đã trao cho người dân quyền được quản lý tài nguyên thiên nhiên. Ông Onprom nói, thể chế chưa thực sự đủ mạnh để tăng cường các quyền về đất đai, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số, các nhóm người dễ bị tổn thương, những gia đình sống nhiều thế hệ trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn hay các khu rừng do nhà nước quản lý.
Ông Onprom bắt đầu công việc của mình là trợ lý nghiên cứu hiện trường của RECOFTC. Ông Somsak Sukwong, người sáng lập RECOFTC, đã cử ông Onprom tới miền Bắc Thái Lan để giúp đỡ các cộng đồng địa phương đang sống phụ thuộc vào rừng có cuộc sống tốt hơn.
Ông Onprom đã làm việc 9 năm tại RECOFTC và ông tin rằng các thách thức cần được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau, trong đó học hỏi các kiến thức bản địa từ cộng đồng địa phương là rất cần thiết bởi mỗi cộng đồng, mỗi cánh rừng là một thực thể riêng biệt.
Ông Onprom thường xuyên sử dụng các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm làm việc tại hiện trường của RECOFTC với các sinh viên của mình, giúp các em hiểu được mỗi thành viên trong một cộng đồng họ đều có những mong muốn và hy vọng khác nhau. Ví dụ như người Karen ở vùng núi cao miền Bắc Thái Lan có những phong tục tập quán canh tác khác với người Karen ở khu vực đồng bằng miền Tây Thái Lan.
“Chúng ta có rất nhiều các nhóm cộng đồng dân tộc khác nhau, và sinh viên cần nhận thức được mỗi nhóm cộng đồng sẽ có những giải pháp, phương pháp tiếp cận khác nhau. Chúng ta không phải chỉ có một con đường. Ở Thái Lan, vấn đề chính là mọi người luôn nghĩ một giải pháp là tốt nhất, nhưng để có thể nghĩ ra nhiều giải pháp lại là cả vấn đề”.
Ông Onprom là người truyền cảm hứng cho rất nhiều sinh viên nghiên cứu về lâm nghiệp cộng đồng. Các sinh viên của trường Đại học Kasetsart đã thành lập câu lạc bộ lâm nghiệp và đây là câu lạc bộ đầu tiên của Thái Lan tham gia Mạng lưới các tổ chức lâm nghiệp toàn cầu uy tín.
Nhiều sinh viên đã phải rất cố gắng để trở thành thành viên của Hiệp hội Sinh viên Lâm nghiệp Quốc tế (IFSA) mà quá trình tuyển chọn thành viên mới của IFSA vô cùng khắt khe. Các sinh viên phải tham gia vào sự kiện hợp tác do RECOFTC và IFSA tổ chức. Tại sự kiện này, các sinh viên trên toàn thế giới sẽ được giới thiệu, kết nối với nhau và tạo thành mạng lưới rộng khắp.
“Đây là cơ hội tốt cho sinh viên để mở rộng kiến thức, sự hiểu biết và mạng lưới của mình”, ông Onprom nói.
Ông Onprom hy vọng rằng, các thế hệ sinh viên của ông sẽ tiếp tục có những đóng góp cho tương lai của các khu rừng. Hiện tại ông đã chuyển tới Chiang Mai và phát triển một vườn ươm cây giống với rất nhiều loài cây bản địa để giúp các cộng đồng địa phương trồng phục hồi rừng.
Ông Onprom tâm sự, ông muốn cống hiến thời gian của mình để giúp các cộng đồng ở Chiang Mai. Thu nhập từ vườn ươm sẽ được tái đầu tư vào hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì, phát triển các kiến thức bản địa của người dân nơi đây.
“Tôi muốn giúp đỡ người dân nâng cao thu nhập và có giải pháp bền vững cho tương lai. Họ trông đợi một tương lại tốt đẹp và tôi sẽ giúp đỡ họ. Có rất nhiều việc cần phải làm ở đây’.
KẾT THÚC
Tài liệu này của RECOFTC được biên soạn với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ (SDC) và Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida)