Đổi mới đào tạo, đổi mới toàn diện

05 July 2021
RECOFTC
Talk of the Forest
Sáng kiến WAVES đang tạo ra sự khác biệt nào cho vấn đề bình đẳng giới ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 tấn công thế giới, cô Mardha Tillah đến Bankok để tham dự một cuộc hội thảo tập huấn về lãnh đạo giới. Vào thời điểm đó, cô là giám đốc điều hành của Học viện Indonesia về Rừng và Môi trường (RMI).

Cô Tillah kể lại: “Các cuộc thảo luận đầu tiên tại hội thảo tập trung vào kỹ năng Tự nhận thức và Chánh niệm. Ban đầu, tôi không hiểu những chủ đề này có liên quan gì đến khả năng lãnh đạo.”

Nhưng khi khóa học tiếp diễn và mọi thứ bắt đầu trở nên sáng tỏ thì cô Tillah đã có khoảnh khắc “ngộ” ra vấn đề.

“Tôi đã rất vui mừng,” cô Tillah kể tiếp. “Khóa tập huấn nhấn mạnh vào kỹ năng nhận thức giới và tự nhận thức để xác định những định kiến đối với nam hay nữ như là bước đầu tiên hướng tới việc trở thành một người lãnh đạo giới giỏi. Trong năm ngày đó, tôi đã nghĩ về việc làm thế nào để những người lãnh đạo khác cũng có được cơ hội giác ngộ như thế này.”

Cô nhắn tin cho đồng nghiệp, cho mẹ và chồng của mình: “Giá như chúng ta có thể tổ chức khóa học kiểu này ở Indonesia và trải nghiệm sự thay đổi tích cực này.”

Cưỡi con sóng đầu tiên

Tillah cùng với 30 đại biểu khác tham dự hội thảo là những nhà lãnh đạo giới đầu tiên trong sáng kiến ​​WAVES của Tổ chức vì Con người và Rừng (RECOFTC). Trong đó, WAVES là tên viết tắt của chương trình Xây dựng Mạng lưới Lãnh đạo vì Bình đẳng Giới.

Những người tham gia đã cùng nhau mang lại những trải nghiệm đa dạng và phong phú. Họ đảm nhận các vị trí khác nhau từ chuyên gia kỹ thuật đến các quan chức chính phủ cấp cao đến từ các quốc gia Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Myanmar, Nepal, Thái Lan và Việt Nam. Hội thảo cũng bao gồm công chức, người làm chính sách, giảng viên, giám đốc các tổ chức xã hội dân sự, quản lý kinh doanh và nhà báo.

Chủ yếu trong số họ là phụ nữ, nhưng cũng có cả nam giới. Trong chức danh hoặc mô tả công việc của một số người có phần “Phát triển giới”. Những người khác từng nghe nói về thuật ngữ ' bình đẳng giới ' nhưng chỉ biết đôi chút về nó.

Watch WAVES video

Mỗi học viên đều ấp ủ những kế hoạch, dự định hoặc ý tưởng mà họ muốn khởi xướng nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia một cách bình đẳng hơn so với nam giới trong việc đưa ra quyết định về rừng.

Cô Kalpana Giri, cán bộ lâm nghiệp kiêm nhà lãnh đạo của Sáng kiến WAVES chia sẻ: “Các đại biểu có mặt ở đây đều muốn phụ nữ được ghi nhận cho những việc mà họ làm được, và cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp họ cần được tư vấn khi làm chính sách. Họ muốn lắng nghe những suy nghĩ của nữ giới trong cộng đồng để có thể phản ánh mối quan tâm của họ trong các kế hoạch và chính sách quản lý rừng. Họ cũng muốn công nhận vai trò của phụ nữ trong việc tuần tra và bảo vệ rừng.”

Nhưng bất chấp những tham vọng ấy, tất cả người tham gia đều phải đối mặt với những trở ngại ngăn họ đạt được mục tiêu của mình.

Lội ngược dòng

Trong 30 năm qua, trung tâm RECOFTC đã làm việc để trao quyền quản lý và bảo tồn các khu rừng và vùng đất ngập nước cho các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng. Nam giới là người đưa ra quyết định trong phần lớn các công việc quản lý và bảo tồn đó.

Cô Giri cho biết, “Trong lĩnh vực lâm nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên, các cam kết quốc gia về đảm bảo bình đẳng giới đã vấp phải một bức tường vô hình.”

“Không ai nói rằng: ‘Tôi không muốn làm việc về bình đẳng giới’”, cô nói tiếp. “Họ nói: 'Đúng, bình đẳng giới rất quan trọng, nhưng chúng tôi không có kinh phí để làm điều đó'."

Vì lẽ đó, cô Giri bắt đầu tìm cách phá bỏ bức tường vô hình ấy.

Đầu tiên, cô quyết định loại bỏ mô hình đào tạo về giới lúc có lúc không trước kia. Thay vào đó, chương trình WAVES được xây dựng và phát triển như một mạng lưới đào tạo và lãnh đạo trong vòng ba năm với sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và tâm lý xã hội.

Phương pháp tiếp cận của WAVES được lấy cảm hứng từ mô hình lãnh đạo về quan hệ, trong đó tập trung vào mối quan hệ giữa người với người. Lãnh đạo về quan hệ coi trọng sự hợp tác, sự trao quyền, mục đích, hành vi đạo đức và định hướng phương pháp.

“Khóa tập huấn nhấn mạnh vào nhận thức giới và tự nhận thức để xác định những định kiến đối với nam giới hay nữ giới như là bước đầu tiên hướng tới việc trở thành một người lãnh đạo giới giỏi.”

Trích lời cô Mardha Tillah.

 

Khóa tập huấn đầu tiên tập trung vào sự phát triển của cá nhân mỗi người. Những người tham gia học cách tự nhận thức và phân tích định kiến giới ​​của chính họ. Từ đó, họ tìm hiểu, phân tích điều kiện xã hội và quá trình xã hội hóa đã hình thành định kiến giới như thế nào và bằng cách nào định kiến ​​là sản phẩm của quá trình xã hội hóa của chính họ. Việc nắm bắt được những khái niệm này giúp cho nhà lãnh đạo giới thay đổi cách họ kết nối với những người khác.

Các nhà lãnh đạo giới không thay đổi công việc của họ. Thay vào đó, sự thay đổi đến từ cách làm việc. Họ cho biết rằng tư duy của họ trở nên đa chiều hơn trong cách họ xây dựng hay thực hiện các chương trình, dự án.

Sự tự nhận thức kích hoạt sự thay đổi

Các cuộc phỏng vấn tiếp theo hai năm sau khóa tập huấn đầu tiên cho thấy rằng tất cả các học viên đều rời khóa học với một cái nhìn khác về cách trở thành một nhà lãnh đạo giới thành công. Họ đã có cơ hội áp dụng những lý thuyết được học vào thực hành khi trở về với công việc của mình ở quê nhà.

Cô Tillah nhận thấy rằng kỹ năng tự nhận thức cũng nên áp dụng cho tổ chức của mình. Cô đã vận động các đồng nghiệp của mình hợp thức hóa một chính sách về giới vốn không được quan tâm trong nhiều năm. Họ khởi xướng việc kiểm định giới để xem liệu các công cụ giám sát và đánh giá của họ có dựa trên góc độ giới và các chương trình của họ có nhạy cảm giới hay không.

“Thật may là cuộc kiểm định cho thấy chúng tôi có nhạy cảm giới,” cô Tillah vui mừng nói. “Chúng tôi đạt điểm tốt, nhưng vẫn có một số lưu ý cần được cải thiện.”

Theo thời gian, cô phát hiện ra rằng rất khó đảo ngược các hiện trạng có nguồn gốc sâu xa như là việc các trưởng làng, trưởng bản nam giới đã độc chiếm các cơ hội đào tạo trong các cộng đồng bản địa khi họ đại diện để phát biểu thay cho giới nữ hoặc nam thanh niên trong làng.

Phát hiện này đã thúc đẩy Tillah và nhóm của cô soạn thảo những nguyên tắc yêu cầu các nhóm thực địa phải có một nam và một nữ hỗ trợ viên. Nữ hỗ trợ viên sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận nhóm chỉ dành cho phụ nữ.

Tillah

Cô Tillah cho hay: “Nhóm chúng tôi đã thành lập một hợp tác xã dành cho phụ nữ khi phụ nữ trong làng bị từ chối các cơ hội đào tạo. Chúng tôi hiện có những cô thôn nữ trẻ đang tham gia tích cực vào nhóm thanh niên mà chúng tôi làm việc cùng. Các cô thôn nữ ấy còn khởi xướng việc phát triển mô hình hợp tác xã trồng rau tự cung tự cấp.”

Khi trở lại Myanmar, Chị Khin Nyein Khan Mon nghĩ về lý do tại sao khóa đào tạo lại bắt đầu bằng kỹ năng tự nhận thức. Và rồi cô ấy cũng có giây phút “giác ngộ” của mình.    

Chị Mon, chuyên gia kỹ thuật của Mạng lưới Bảo tồn Phục hồi Môi trường Myanmar (MERN), tâm sự: “Phụ nữ ở đất nước tôi và ở nơi tôi làm việc bị đối xử bất công. Nhưng chúng tôi không biết điều đó. Chúng tôi chấp nhận nó. Chúng tôi nghĩ rằng đó là chuẩn mực. Chúng tôi nghĩ đó là điều bình thường. Nhưng thực ra, nó không bình thường, nó cũng không phải chuẩn mực. Vì thế hơn ai hết chúng tôi cần hiểu ra điều đó. Nếu chúng tôi không hiểu điều đó thì làm sao chúng tôi có thể làm việc vì sự bình đẳng?”

Phá bỏ rào cản  

Chị Deepa Oli, cán bộ lâm nghiệp kiêm đầu mối của Tổ Công tác về Phát triển Giới thuộc Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Nepal (MOFE), cũng rời khóa tập huấn đầu tiên ấy với một góc nhìn thay đổi đáng kể. Chị quay lại công việc của mình cùng với sự hiểu biết và vốn từ vựng được mở rộng về những rào cản giới đã khiến chị nản lòng quá lâu. Hai năm sau khi khóa tập huấn kết thúc, chị nói rằng khóa học đã dạy cho chị cách xử lý sự phân biệt đối xử và định kiến ​​giới một cách tích cực hơn thay vì bực tức.

Và điều đó, chị tuyên bố, đã tạo ra tất cả sự khác biệt.

“Những ngày đầu tiên chương trình WAVES đã truyền đạt cho chúng tôi cách tự đánh giá những dấu ấn sâu sắc của các chuẩn mực và giá trị xã hội trong quá trình suy nghĩ của chúng tôi,” Chị Oli bồi hồi nhớ lại. “Chúng tôi học được cách tự khẳng định mình, cách yêu và trân trọng bản thân. Đó là điều mà tôi sẽ không bao giờ quên. Thông điệp ấy khiến tôi rất xúc động. Nó truyền cảm hứng cho tôi làm việc. Tôi coi trọng bản thân và từ đó coi trọng mọi người xung quanh.”

Oli

Chị Oli cũng tâm sự về sự hiểu biết của chị đối với thuật ngữ 'quá trình xã hội hóa’ mà chị chưa bao giờ nghe tới trước khi tham gia khóa học. Chị rốt cuộc cũng hiểu ra chị và các nhà hoạt động vì bình đẳng giới khác đang đấu tranh với điều gì. Những người chống lại tư tưởng của chị hay thách thức chị cũng chính là sản phẩm của quá trình giáo dục và xã hội hóa của họ.

Nhận thức mới này đã thay đổi cách chị tương tác với những người luôn lo lắng việc nói về giới sẽ gây ra sự tranh cãi giữa hai phe nam và nữ.

“Tôi vấp phải các rào cản thay vì con người,” Chị nói về những người nghi ngờ ý định của chị về các vấn đề bình đẳng giới. “Trở nên bình tĩnh và điềm đạm chính là làm điều tương tự theo một cách khác đi. Đó là đối đầu một cách chiến lược. Nếu tôi phản ứng ngay lập tức thì sự đối kháng sẽ rất cao. Nhưng khi tôi làm điều đó với thái độ tích cực thì mọi người sẽ nghe thấy những gì tôi đang nói.”

Vấn đề về từ vựng

Chị Oli kể về phong trào đấu tranh trong ngành lâm nghiệp của Nepal với tình trạng bất bình đẳng, quấy rối tình dục và các hành vi lạm dụng đang là rào cản đối với những nhà lãnh đạo giới non trẻ như chị.

“Chúng tôi biết chúng tôi thiếu điều gì đó để có thể tạo ra những môi trường làm việc an toàn và tôn nghiêm nhưng chúng tôi không thể tìm ra cách để giải quyết việc này,” Chị Oli nói tiếp. “Chương trìnhWAVES đã cung cấp cho chúng tôi vốn từ vựng để mô tả toàn bộ quá trình, sau đó giúp chúng tôi điều chỉnh lại câu chuyện của mình và tìm ra chiến lược để tiến xa hơn.”

Khóa đào tạo về nhạy cảm giới của Bộ Lâm nghiệp và Môi trường đã giới thiệu cho cán bộ lâm nghiệp về khái niệm xã hội hóa.

“Chúng tôi chỉ cho họ thấy rằng cách nghĩ của mỗi người xuất phát từ quá trình xã hội hóa của họ. Mọi người, cả phụ nữ và đàn ông, hiện đang lắng nghe và đồng tình với những gì chúng tôi đang nói đến.”

Chị kể tiếp rằng mạng nữ cán bộ lâm nghiệp ở Nepal đang hướng sự chú ý của mình cho bốn nội dung ưu tiên: nâng cao năng lực lãnh đạo, tạo môi trường làm việc an toàn và trang nghiêm, làm cho xu thế về giới trở thành một nội dung cốt lõi trong lĩnh vực của họ, và tạo thêm nhiều đồng minh là nam giới.

Ngoài ra, mạng lưới nữ cán bộ lâm nghiệp đã bổ sung thêm hợp phần đào tạo về quấy rối tình dục. Nó bao gồm một bản phân tích các mức độ của hành vi quấy rối để giúp mọi người phân biệt giữa thô lỗ và lạm dụng. Điều đó giúp đẩy nhanh quá trình thay đổi trong ngành lâm nghiệp Nepal.

“Các nữ cán bộ lâm nghiệp bắt đầu báo cáo về các vụ quấy rối tình dục vì sự chịu đựng mang tính lịch sử cuối cùng đã thay đổi,” Chị Oli chia sẻ. “Đây là một sự thay đổi lớn lao mà chúng tôi đã đạt được.”

Đàn ông với tư cách là nhà lãnh đạo giới 

“Con gái làm việc trong ngành lâm nghiệp? Phụ nữ đi tuần tra trong rừng? Thôi, cho mình xin!"

Anh Mai Quang Huy đã nghe nhiều bình luận bất công và câu chuyện cười về phụ nữ khi anh trở thành lãnh đạo của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Phong Điền, một công ty sản xuất gỗ, nhựa thông, cây giống lâm nghiệp và cây dược liệu tại Việt Nam. Anh luôn cảm thấy định kiến ​​của đồng nghiệp và khách hàng về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong ngành lâm nghiệp là sai lầm.

Huy

Kể từ khi gia nhập  mạng lưới WAVES, anh Huy đã chỉ đạo công ty của mình thực hiện theo các chính sách về nhạy cảm giới, xóa bỏ phân công lao động theo giới và đưa các phân tích về giới vào báo cáo hàng năm. Công ty của anh hiện nay yêu cầu sự hiện diện phụ nữ trong các cuộc họp cộng đồng và đòi hỏi hợp đồng giao khoán rừng phải được cả vợ và chồng đứng tên.

“Những người đồng cấp và đồng nghiệp cứ hỏi tôi rằng sao tự nhiên tôi lại quan tâm đến vấn đề giới như thế và tại sao tôi không tập trung vào vấn đề xâm lấn rừng hay phòng cháy chữa cháy rừng”, Anh Huy trải lòng. “Tôi bảo họ rằng các vấn đề về giới là nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề đó và giải quyết các vấn đề về giới sẽ giúp giải quyết chúng”.

Trong những ngày đầu là một nhà hoạt động về giới, ông The Chhun Hak đã nói về quyền phụ nữ, chương trình nghị sự của Liên hợp quốc toàn cầu và áp lực quốc gia phải tuân thủ các cam kết toàn cầu. Hiện nay, ông là tổng giám đốc Văn phòng Bình đẳng giới và Phát triển Kinh tế thuộc Bộ Phụ nữ Campuchia.

Ông cho biết, WAVES đã dạy ông tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ đối tác cùng có lợi .

“Phương pháp làm việc của tôi với các bên liên quan dường như đã tốt hơn,” ông Hak nói thêm. “Tôi đã học cách xây dựng mối quan hệ đối tác về lâu dài. Đó là cách đưa tất cả mọi người đến với nhau để chia sẻ một mục tiêu chung."

Khơi dậy nhận thức trong giới trẻ

Buổi đầu tập huấn về kỹ năng tự nhận thức cũng tác động sâu sắc đến ông Hak. WAVES đã dạy ông cách “biến đổi”, ông kể lại. Ông nhận thấy rằng nếu giới trẻ được học về bình đẳng giới và cách thức lãnh đạo trước khi trở thành lãnh đạo thì có thể tạo ra những thay đổi đáng kể. 

Vào năm 2020, ông Hak đã khởi xướng Phòng thí nghiệm Lãnh đạo Thanh niên vì Bình đẳng giới, bao gồm các chủ đề về tự nhận thức. Phòng thí nghiệm hiện là một chương trình huấn luyện trong vòng một năm nhằm trau dồi kiến thức lãnh đạo và bình đẳng giới trong giới trẻ. Những người trẻ tuổi đưa ra các đề xuất về nghiên cứu hoặc trao quyền cho cộng đồng và nhận được sự hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật để thực hiện những công việc đó.

Ông cũng xây dựng một chiến dịch về lãnh đạo giới trong Bộ Phụ nữ để thu hút và tiếp thêm động lực cho các cấp dưới.

“Nó đã tạo ra một hình ảnh năng động của Bộ trong giới sinh viên và thanh niên hiện đang tìm kiếm việc làm ở đó,” Ông nói. “Họ được truyền cảm hứng bởi vì họ có thể thấy rằng bình đẳng giới không chỉ là hiểu biết hạn hẹp về các vấn đề của phụ nữ, mà là điều gì đó to lớn hơn dẫn đến việc tạo ra thay đổi thực sự cho xã hội của họ.”

Hak

Cô Tillah cũng giới thiệu các chương trình mới cho những sinh viên trẻ khi cô trở lại Học viện Indonesia sau khóa tập huấn WAVES đầu tiên. Cô đã xây dựng một học phần về chánh niệm, định kiến và thành kiến ​​giới trong khóa học ngắn hạn dành cho sinh viên lâm nghiệp, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông và thanh niên ở các vùng nông thôn.

“Phản hồi từ các học viên của khóa học cho thấy rằng mỗi người trong số họ đều có những định kiến, thành kiến ​riêng,” cô chia sẻ. “Họ đánh giá cao những kiến thức về bất bình đẳng giới dựa trên giới tính mà khóa học mang lại”.

Hỗ trợ cá nhân tạo dựng sự tự tin

WAVES là một chương trình toàn diện được thực hiện trong vòng 3 năm với rất nhiều sự hỗ trợ về tập huấn và kỹ thuật, cũng như các nguồn tài trợ giới hạn cho các dự án mà các nhà lãnh đạo giới muốn theo đuổi. Chương trình WAVES cũng đã bố trí cán bộ đầu mối tại bảy quốc gia để kết nối với các nhà lãnh đạo giới, các nhóm chat hoặc trao đổi trực tiếp với từng người.

 Nếu các hình mẫu về lãnh đạo giới xuất hiện trong báo cáo hàng tháng tại các cuộc họp trực tuyến giữa cô Giri và các đầu mối quốc gia, cô ấy sẽ tổ chức ngay các khóa tập huấn online để đáp ứng các nhu cầu đang phát sinh. Cô Giri thường tham gia vào các cuộc trò chuyện nhóm và mở ra cơ hội cho các nhà lãnh đạo giới. 

“Điều này khiến chúng tôi cảm thấy chúng tôi không đơn độc,” ông Hak nói. “Đây không phải là một khoản đầu tư lớn nhưng đó là sự hỗ trợ lớn cho chúng tôi. Nó giúp chúng tôi tự tin hơn khi biết rằng luôn có ai đó chống lưng cho mình.”

Cô Giri thừa nhận “Việc hỗ trợ về tâm lý xã hội không có trong thiết kế của chương trình. Chúng tôi mang đến một không gian an toàn cho việc trao đổi và phản hồi để có thể hỗ trợ và cải thiện tốt nhất những vấn đề phát sinh,” Cô  nói tiếp. “Nếu các nhà lãnh đạo giới không đạt được mục tiêu mà họ đề ra, chúng tôi sẽ bảo họ 'Được rồi, chuyện gì đã xảy ra thế, hãy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của bạn'. Khi họ đến và kể những câu chuyện của mình trong những buổi trao đổi và phản hồi ấy, những rào cản mà họ nhắc đến không chỉ giới hạn ở mặt kỹ thuật. Họ kể rằng khi vấp phải những trở ngại ấy, họ đã suy sụp. Họ sẵn sàng từ bỏ”.

Những gợn sóng nhỏ tạo nên con sóng lớn

Sau khóa tập huấn đầu tiên của chương trình WAVES, những người tham gia cảm thấy được trao quyền để tạo ra sự thay đổi, và ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể đem lại tác động lớn trong hiện tại và tương lai.

Chẳng hạn như một nhà lãnh đạo giới ở Indonesia đã thay đổi quy định phụ nữ mang thai không được tham dự các lớp đào tạo, đồng thời thành lập cơ sở giữ trẻ ban ngày cho con của các học viên. Một nhà lãnh đạo giới khác đã lồng ghép các vấn đề giới vào chương trình giảng dạy về lâm nghiệp tại trường đại học của chị. Ở Campuchia, các nhà lãnh đạo giới có      ảnh hưởng đến kế hoạch và chiến lược hành động về giới. Ở Nepal, các lãnh đạo giới đặt mục tiêu đào tạo 300 lãnh đạo giới trong lĩnh vực của họ trong hai năm tới thông qua đào tạo, hội thảo trực tuyến và tư vấn việc làm.

Và có lẽ, quan trọng hơn hết là chương trình WAVES đã giúp đem đến tính chính đáng về mặt kỹ thuật cho thuật ngữ 'bình đẳng giới'.

“Phụ nữ ở đất nước tôi và ở nơi tôi làm việc bị đối xử bất công. Nhưng chúng tôi không biết điều đó. Chúng tôi chấp nhận nó. Chúng tôi nghĩ rằng đó là chuẩn mực. Chúng tôi nghĩ đó là điều bình thường. Nhưng thực ra, nó không bình thường, nó cũng không phải là chuẩn mực. Vì thế hơn ai hết chúng tôi cần hiểu ra điều đó. Nếu chúng tôi không hiểu điều đó thì làm sao chúng tôi có thể làm việc vì sự bình đẳng?”

Trích lời chị Khin Nyein Khan Mon

Nhà đánh giá độc lập Dibya Gurung bình luận trong một cuộc hội thảo trực tuyến của WAVES: “Giới không còn được coi là điều mà mọi người đều có thể làm được nữa. Mọi người thường đóng góp ý kiến cho các tài liệu, các diễn đàn hoặc sự kiện liên quan đến giới. Bây giờ các ban tổ chức sẽ đảm bảo chỉ tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm. Sự thừa nhận này, loại giá trị này đang dần được đưa ra.”

Cô Giri rất đồng tình với nhận xét ấy.

“Bất cứ khi nào tôi hỏi Nhóm Myanmar rằng họ đã đạt được những gì thông qua chương trình WAVES, họ đều đáp rằng đó là 'sự thừa nhận'. Trước đây, họ luôn nhận được câu trả lời, 'Không, không, giới không quan trọng. Chúng tôi làm lâm nghiệp cộng đồng cơ mà, thế là đủ rồi.' Thế nhưng sau các buổi hội thảo trực tuyến mà họ thực hiện, những cuộc đánh giá mà họ triển khai, và vì họ đã lên tiếng, nên giờ đây mọi người đã dần nghe thấy những thông điệp về bình đẳng giới.” Sự thay đổi ấy thật rõ ràng.

Cô nhận ra những người lãnh đạo giới như chị Mon đã sẵn sàng.

“Chị ấy đã tìm ra chỗ đứng của mình,” Cô Giri khẳng định. “Chị ấy sẽ cần thêm nhiều hỗ trợ để đối mặt và giải quyết những sự phản kháng, cũng như có thể lồng ghép được nhiều hơn các nội dung về bình đẳng giới vào trong lĩnh vực lâm nghiệp cộng đồng. Nhưng ngay lúc này chị ấy có thể nói một cách tự tin, 'Ok, tôi đã sẵn sàng rồi. Tôi có thể làm được'.”

###

Sáng kiến Xây dựng Mạng lưới Lãnh đạo vì Bình đẳng Giới (WAVES) nhằm tăng cường kỹ năng lãnh đạo và hỗ trợ năng lực của các nhà lãnh đạo trong việc vận động vì bình đẳng giới. RECOFTC thực hiện chương trình WAVES với sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển Swedish International Development Cooperation Agency (Sida). Để biết thêm thông tin về WAVES, hãy truy cập trang này.

Các hoạt động của tổ chức RECOFTC được thực hiện với sự hỗ trợ liên tục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida).