RECOFTC Việt Nam
Câu chuyện

4,5 đô la + Quyền sử dụng đất rừng = thu nhập bền vững từ trồng quế ở Yên Bái – Việt Nam

05 November 2015
Hoàng Thị Chuyên
Tôi chợt lo lắng, nếu tôi và bà con tiếp tục chặt cây phá rừng, một ngày nào đó sẽ không còn tài nguyên nữa, thậm chí không còn rừng nữa. Tôi nghĩ đến việc tôi đã sống nhờ rừng như thế nào, rừng đã giúp chúng tôi thoát nghèo ra sao. Tôi bàn bạc với chồng, và chúng tôi bắt đầu trồng cây ngắn ngày như sắn, khoai lang để lấy thực phẩm.
Stories of Change

Tôi tên là Hoàng Thị Chuyên, người dân tộc Tày, sinh sống tại Làng Ba Khê, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Tôi là Chủ tịch Hội phụ nữ Thôn Ba Khê 3.

Gia đình tôi sống gần rừng. Trong trí nhớ của tôi, năm 1993 là thời điểm rất đáng nhớ. Đó là thời kỳ gia đình tôi rất nghèo. Không chỉ gia đình tôi, các nhà khác trong xóm cũng không đủ ăn. Chúng tôi thường bị đói, chỉ có sắn và khoai lang để ăn. Chúng tôi cũng không có đủ quần áo mặc. Một ngày trời mưa, tôi vẫn quyết định vào rừng tìm măng và rau rừng để bán lấy tiền mua gạo, thịt cho các con. Hôm đó tôi thật may mắn và đó là ngày con tôi được ăn no. Tôi vui đến nỗi tôi đã khóc.

Thời điểm đó, người làng tôi rất nghèo đói. Chúng tôi thường vào rừng chặt cây đem bán. Chúng tôi đã khai thác mọi thứ có thể để bán lấy tiền mua thực phẩm mà không có hành động nào để phục hồi rừng. Kết quả là, rừng bị suy giảm dần và rồi bị chặt phá nặng nề.
Tôi chợt lo lắng, nếu tôi và bà con tiếp tục chặt cây phá rừng, một ngày nào đó sẽ không còn tài nguyên nữa, thậm chí không còn rừng nữa. Tôi nghĩ đến việc tôi đã sống nhờ rừng như thế nào, rừng đã giúp chúng tôi thoát nghèo ra sao. Tôi bàn bạc với chồng, và chúng tôi bắt đầu trồng cây ngắn ngày như sắn, khoai lang để lấy thực phẩm.

Tôi bán các nông sản trồng được từ rừng và thu được 100 ngàn đồng (khoảng 4,5 đô la). Tôi dùng số tiền đó để mua hạt quế về trồng. Lần đầu tiên tôi trồng quế, tôi đã không thành công 100%. Tuy nhiên, tôi dần tích lũy được kinh nghiệm từ thực tế làm sao để trồng quế đúng cách. Vài năm sau, tôi bắt tay trồng nhiều loại cây khác như sao, keo và mộc lan. Dần dần, tôi thu hoạch cây về bán và tiếp tục lấy hạt về trồng gối vụ. Bằng cách này, tôi vừa có thể kiếm tiền vừa bảo trì và quản lý rừng bền vững.
Tuy nhiên, vào thời điểm khó khăn, rừng đã bị tự ý tận dụng bởi các gia đình có quyền sử dụng rừng theo tập quán. Người dân khai thác rừng nhưng không có các biện pháp bảo vệ và quản lý rừng. Do đất rừng chưa được giao khoán, người dân khai thác rừng phục vụ sinh kế bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu. Khi tài nguyên rừng lân cận bắt đầu cạn kiệt, người dân nơi khác đến chặt cây và khai thác các sản phẩm ngoài gỗ ở rừng của chúng tôi. Số lượng cây bị chặt ngày một nhiều. Tôi trở nên tức giận và bắt đầu lo lắng. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, một ngày nào đó, toàn bộ khu rừng sẽ biến mất.

Thậm chí dù tôi biết rõ ai đã chặt cây, nhưng tôi cũng không thể làm gì được. Tôi tìm đến già làng, rồi đến công an địa phương. Công an địa phương cũng không thể giúp tôi vì tôi không có quyền quyền hợp pháp đối với rừng. Không ai có thể giúp tôi. Tôi đã đưa vấn đề này ra một cuộc họp thôn.
Từ đó, thông qua các buổi họp của Hội phụ nữ và họp thôn, người dân địa phương và tôi yêu cầu được cấp Sổ đỏ để chúng tôi có thể sử dụng và quản lý rừng khỏi sự xâm lấn của người khác. Năm 1995, Nhà nước đã cấp Sổ đỏ cho chúng tôi. Sổ đỏ đã trao quyền hợp pháp cho cá nhân về sử dụng đất rừng và cung cấp các công cụ hợp pháp cho các cộng đồng địa phương trong bảo vệ rừng.

Người dân trong thôn đã đưa ra các quy định của thôn làng về bảo vệ rừng và các biện pháp trừng phạt đối với những ai vi phạm quy định. Tôi rất vui vì các quy định mới này đã giúp tôi bảo vệ rừng. Hàng xóm và mọi người không còn xâm phạm và chặt cây của tôi nữa. Họ tôn trọng các quyền hợp pháp của tôi đối với rừng.
Các gia đình khác trong thôn chứng kiến sự thoát nghèo và làm kinh tế từ hoạt động trồng rừng của gia đình tôi. Họ học tập tôi và bắt đầu thay đổi rừng. Kết quả là, đến nay nhiều vùng đất rừng đã được phủ xanh. Rừng, chiếm khoảng 70% tổng diện tích làng tôi.

Dù Sổ đỏ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất rừng, tôi nhận thức được rằng cần phải có kiến thức, năng lực và kế hoạch bảo vệ, giao thương, trồng rừng và nhiều hơn thế mới đảm bảo sự phát triển bền vững. Tôi đã tham gia các khóa tập huấn về biến đổi khí hậu và công bằng về giới của Chương trình REDD+. Hơn nữa, tôi còn tham gia các khóa tập huấn về trồng rừng và phát triển kinh tế, do Hội Nông dân và Hội Phụ nữ tổ chức. Sau các khóa tập huấn này, tôi biết mình phải làm gì, trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao phát triển kinh tế dài hạn. Bên cạnh đó, RECOFTC cũng đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà lập pháp và người dân địa phương và thu hẹp khoảng cách giữa các nhà lập pháp về lâm nghiệp và người dân địa phương chúng tôi.

Như bạn biết, trong khoảng tháng 8 năm 2015, Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đã chịu nhiều trận lũ lụt. Đó là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà nguyên do là nạn chặt phá rừng. Nó đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên. Bạn và tôi hãy cùng truyền đi thông điệp “Trồng – Chăm sóc – Bảo vệ Rừng”. Hãy chung tay để lá phổi của trái đất ngày càng xanh hơn và khỏe mạnh hơn.