Khi chị Nông Thị Hường nói về ý nghĩa của cây Lùng đối với mình và cộng đồng dân tộc Thái ở miền núi phía Tây Nghệ An, chị đã kể một câu chuyện về sự chuyển đổi kinh tế, sinh thái và cá nhân.
Ở bản của chị, thu nhập đã tăng lên và đời sống của người dân được cải thiện - tất cả là nhờ những cách thức mới trong quản lý, sử dụng và kinh doanh Lùng.
Chị Hường cho biết: “Bất cứ khi nào cần tiền, tôi có thể thu hoạch và bán Lùng”. Giống như nhiều người khác trong cộng đồng của mình, chị Hường gọi rừng Lùng của mình là “một ngân hàng ngay tại nhà”.
Tuy nhiên, chỉ vài năm trước đây, rừng Lùng ở đây đã bị cạn kiệt nhanh chóng và có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Thay đổi đang diễn ra thông qua một sáng kiến phục hồi cảnh quan rừng có tên là FLOURISH- Hưng thịnh.
Sáng kiến FLOURISH đang giúp hàng trăm người dân như chị Hường thực hiện các bước phục hồi rừng Lùng, phát triển sinh kế bền vững và góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Cách làm việc với cộng đồng, chính quyền địa phương và khu vực tư nhân đang chỉ ra hướng đi để đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường ở quy mô cảnh quan.
Nhiều thập kỷ cạn kiệt
Chị Hường sống tại bản Xẹt 1 xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Từ bao đời nay, người dân Nghệ An sống dựa vào một loài tre có tên địa phương là cây Lùng (Bambusa longissima sp. Nov). Họ sử dụng sản phẩm từ Lùng như vật liệu để sản xuất nhiều sản phẩm - từ tăm xỉa răng đến hàng rào, giỏ và đèn lồng. Ngoài việc thu hoạch Lùng để sử dụng cho nhu cầu gia đình, người dân cũng bán Lùng nguyên liệu. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình ở miền núi Nghệ An, nơi có Lùng, đóng góp khoảng 14,2% tổng thu nhập trung bình hàng năm.
Tuy nhiên, vào giữa những năm 2010, việc khai thác quá mức đã tàn phá nguồn tài nguyên mà rất nhiều người sống phụ thuộc vào. Điều này không chỉ xảy ra ở bản của chị Hường mà còn ở các bản khác có Lùng thuộc các huyện Quỳ Châu và Quế Phong của tỉnh Nghệ An.
Chị Hường cho biết các thành viên trong cộng đồng thiếu kiến thức kỹ thuật về quản lý bền vững rừng Lùng . Chị nói: “Họ tận thu Lùng bất kể tuổi và chất lượng, không để lại bất kỳ cây Lùng mẹ nào để tạo ra cây con..."
Chị Hường cho biết thêm, việc thiếu các biện pháp thực thi pháp luật với người khai thác Lùng trái phép và vị thế yếu của cộng đồng đối với người mua Lùng cũng góp phần làm cho rừng Lùng ở địa phương bị cạn kiệt nhanh chóng.
Cách tiếp cận mới
Để thử nghiệm các giải pháp cho những thách thức kể trên, sáng kiến FLOURISH của RECOFTC bắt đầu áp dụng với bản của chị Hường và bốn bản khác ở gần đó vào năm 2019.
Với sự tài trợ của chính phủ Đức thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI), RECOFTC đã hợp tác với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An và Tổ chức Mây Tre quốc tế (INBAR) giúp cộng đồng phục hồi rừng Lùng và sử dụng rừng Lùng cho sinh kế bền vững.
Dự án kéo dài 4 năm đã tập huấn cho hàng trăm người dân trong xã về kỹ thuật quản lý, thu hoạch, sơ chế Lùng và kỹ thuật nhân giống Lùng bằng phương pháp tách gốc để từng bước phục hồi rừng Lùng. Kỹ thuật này liên quan đến việc chọn một cụm gồm hai hoặc ba thân Lùng, đánh bầu và trồng lại ở nơi khác để tạo ra cây Lùng mới.
Chị Hường nằm trong số những người được tập huấn kỹ thuật cùng với 15 thành viên khác trong cộng đồng. Chị đã thực hành nhân giống Lùng trên diện tích rộng 0,23 ha. Chị cho biết: “Kỹ thuật nhân giống Lùng rất dễ học và dễ áp dụng, diện tích rừng Lùng mới của chúng tôi đã phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt khoảng 90%”.
“Sáng kiến này đã hỗ trợ các hộ dân ở cả 5 bản gồm 84 nam và 37 nữ trong việc đàm phán và ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Đức Phong có trụ sở tại Thành phố Vinh và các cơ sở tại các xã của huyện Quỳ Châu. Theo các thỏa thuận hợp tác này, công ty cam kết thu mua Lùng với giá thỏa thuận và số lượng lớn, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm Lùng để tạo thu nhập cho các hộ”, chị Hường cho biết thêm.
Công ty Đức Phong sử dụng Lùng làm chao đèn và giỏ xuất khẩu sang Châu Âu. Công ty phục vụ một thị trường quốc tế đang phát triển tiêu thụ các sản phẩm Lùng của Việt Nam, hiện trị giá hơn 300 triệu đô la Mỹ một năm. Ví dụ, xuất khẩu hàng mây tre đan sang Liên minh Châu Âu đã tăng 12,3% (link tiếng Anh) tính đến tháng 9 năm 2020, đạt 13,4 triệu đô la Mỹ.
Đặc biệt, giao dịch này với thị trường Châu Âu thúc đẩy việc quản lý rừng Lùng một cách hợp lý nhờ các điều khoản về tính bền vững trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU năm 2019. Điều này giúp các cộng đồng như cộng đồng của chị Hường, những người đang khôi phục rừng Lùng, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Ông Lương Văn Phi, Trưởng nhóm thu hoạch Lùng tại bản Ban, xã Châu Thắng, cho biết: “Các thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và kinh doanh Lùng bền vững bằng cách tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng địa phương và công ty Đức Phong, đồng thời thống nhất các điều khoản kinh doanh, hai bên cam kết cùng nhau quản lý và bảo vệ rừng Lùng để có thể khai thác bền vững.”
Bảo đảm quyền
Để sinh kế thực sự bền vững và để người dân có động lực phục hồi rừng Lùng, họ cần được đảm bảo quyền đối với đất và rừng.
Theo quy trình giao đất lâm nghiệp của Chính phủ, người dân có quyền đăng kí được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn từ 20 đến 50 năm đối với đất rừng. Nếu không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân không thể trồng và khai thác Lùng một cách hợp pháp. Tuy nhiên, quy trình cấp phép không được các cộng đồng vùng sâu vùng xa và đặc biệt là các dân tộc thiểu số biết đến như người Thái ở các bản nơi RECOFTC đang triển khai dự án.
Để giải quyết vấn đề này, sáng kiến FLOURISH đã đào tạo các thành viên cộng đồng về lập bản đồ rừng, xác định ranh giới và thủ tục đăng kí được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến cuối năm 2020, dự án đã giúp 241 hộ dân ở huyện Quế Phong và huyện Quỳ Châu đăng kí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành công, trên tổng diện tích hơn 1.550 ha.
Như chị Hường giải thích, đảm bảo quyền sử dụng đất và rừng sẽ khuyến khích việc phục hồi Lùng, do đó củng cố quyền của người dân.
Chị nói: “Chính quyền địa phương phạt những người không bảo vệ đất rừng của họ, khi chúng tôi bảo vệ tốt rừng Lùng, họ không thể phạt chúng tôi hoặc tịch thu đất của chúng tôi. Chúng tôi phải bảo đảm các quyền của mình đối với đất đai của mình”.
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, ông Phạm Bá Hùng nhấn mạnh các tác động môi trường của dự án.
Ông Phạm Bá Hùng nói “Trước khi có dự án, đã có sự lãng phí lớn về tài nguyên. Chỉ có 50 đến 60% sản lượng thu hoạch được sử dụng trong chuỗi sản xuất. Hầu hết các phế phẩm tạo ra trong quá trình khai thác. Sau khi khai thác Lùng, người dân địa phương không phát quang. Phần không sử dụng sau khai thác này đôi khi có thể gây cháy rừng vào mùa khô và nấm bệnh đe dọa rừng Lùng vào mùa mưa. Vì khai thác quá mức, rừng Lùng không thể tái sinh đủ nhanh.”
Ông Phạm Bá Hùng bổ sung “Bằng cách giới thiệu thành công kỹ thuật nhân giống Lùng và nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương, dự án đã giúp quản lý bền vững rừng Lùng. Điều này sẽ góp phần phục hồi cảnh quan rừng và bảo tồn tài nguyên đất và nước, ngoài ra cũng sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong dài hạn”.
Thay đổi cuộc sống
Chị Hường cho rằng bằng cách khôi phục rừng Lùng tại địa phương, cải thiện cách quản lý rừng, trao quyền và phát triển quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, dự án đã cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.
Chị nói: “Dự án đã giúp cộng đồng của tôi bảo tồn Lùng và duy trì sinh kế của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi biết cách thu hoạch Lùng và sau đó trồng lại rừng Lùng. Việc khai thác Lùng quá mức đã được chấm dứt và tỷ lệ khai thác Lùng trái phép đã giảm đáng kể so với trước khi có dự án. Chúng tôi đã được hưởng lợi từ hợp tác giữa các thành viên trong cộng đồng và công ty Đức Phong, công ty thu mua tất cả Lùng mà chúng tôi thu hoạch với giá ổn định”
Chị cũng cho biết thu nhập trung bình từ việc bán Lùng đã tăng gấp đôi lên 15 đến 17 triệu đồng mỗi năm, sau khi cộng đồng địa phương học hỏi và áp dụng thu hoạch bền vững và sơ chế nguyên liệu.
Chị Hường bổ sung: “Tôi có thể nhận thấy cuộc sống của chúng tôi trở nên tốt đẹp hơn. Chúng tôi có đủ tiền học cho con, quà cho người thân và mua nhiều thực phẩm hơn, bao gồm cả thịt và sữa. Chúng tôi có nhiều thời gian hơn để làm những công việc bán thời gian khác.”
Chị Hường cũng cho biết dự án đã thúc đẩy quá trình trao quyền cho bản thân và người dân trong bản.
Chị nói “Trước khi tham gia dự án, tôi biết rằng phụ nữ nên có sự độc lập về kinh tế, nhưng tôi không biết làm thế nào để đạt được điều đó. Các khóa tập huấn đã nâng cao nhận thức của tôi về sự độc lập của phụ nữ. Họ truyền cảm hứng để tôi thực hiện công việc kinh doanh riêng của mình có thể giúp ích cho các chị em của tôi”.
Nhưng chị Hường cho biết cần thêm sự hỗ trợ để đáp ứng sự quan tâm rộng rãi đến việc trồng rừng Lùng trong cộng đồng.
Chị nói: “Mặc dù lợi ích rõ ràng nhưng nhiều hộ gia đình không đủ năng lực tài chính để thực hiện. Họ nói với tôi rằng họ chắc chắn sẽ áp dụng phương pháp này nếu có hỗ trợ tài chính.”
Chị cũng cho biết thêm rằng nhiều người cần tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật để hiểu được tầm quan trọng của việc phục hồi Lùng và có động lực để bảo tồn Lùng. Chị Hường mong muốn sẽ có nhiều hộ nhận được tài trợ để trồng lại rừng Lùng trên đất rừng của họ.
Chị Hường chia sẻ: “Tôi cảm thấy lạc quan về tương lai của chúng tôi”.
###
Câu chuyện được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) thuộc Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU) của Cộng hòa liên bang Đức. RECOFTC tự chịu trách nhiệm về nội dung câu chuyện và không phản ánh quan điểm của BMU. Để biết thêm thông tin về FLOURISH, đề nghị truy cập trang web này.
Hoạt động của RECOFTC được thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida).