Giới thiệu về quản lý cháy rừng dựa vào cộng đồng
Tăng cường các giải pháp dựa vào cộng đồng để quản lý cháy rừng vì một cảnh quan lành mạnh, giàu tính đa dạng sinh học và có khả năng chống chịu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Sơ lược
- Dự án kéo dài hai năm, khởi động từ ngày 1/10/2022 và kết thúc vào ngày 30/9/2024
- Giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cháy rừng và đáp ứng các mối quan tâm ngày càng cao của quốc gia và khu vực về tác động của cháy rừng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng
- Tăng cường năng lực cho cộng đồng và chính phủ trong việc quản lý cháy rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu cấp cảnh quan ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam
- Được hỗ trợ và thực hiện thông qua thỏa thuận hợp tác năm năm giữa Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS) và RECOFTC
Dự án Quản lý cháy rừng dựa vào cộng đồng (CBFiM) đang giúp các cộng đồng và chính phủ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giảm tần suất, cường độ cháy rừng và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu bằng cách tăng cường năng lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phù hợp và tạo điều kiện chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan.
RECOFTC, là đối tác của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, đang làm việc với nhiều đối tác ở các quốc gia giàu tính đa dạng sinh học trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khởi đầu từ các khu vực ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các địa điểm cụ thể được lựa chọn cho dự án dựa trên lịch sử cảnh quan bị lửa rừng đe dọa, dựa vào nhu cầu của cộng đồng, đặc điểm sử dụng đất và loại hệ sinh thái.
Cách tiếp cận
Quản lý cháy rừng dựa vào cộng đồng là một cách tiếp cận liên quan đến cộng đồng trong việc ra quyết định dựa trên kiến thức bản địa và chuẩn bị cho họ những biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và sử dụng lửa rừng. Cách tiếp cận quản lý lửa rừng này sẽ trao quyền cho cộng đồng đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu, giúp xác định mục tiêu thực tiễn của họ nhằm đảm bảo quản lý lửa rừng một cách tổng hợp trên quy mô rộng lớn hơn.
Dự án được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của RECOFTC về lâm nghiệp cộng đồng. Lâm nghiệp cộng đồng là một thuật ngữ rộng cho phương pháp tiếp cận trao quyền cho mọi người cùng quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ một khu rừng của địa phương mà cộng đồng đã sống dựa vào qua nhiều thế hệ.
Các cộng đồng sử dụng lửa rừng theo truyền thống bằng nhiều cách có lợi, chẳng hạn như để kiểm soát cỏ dại, sâu bệnh và tạo thu nhập từ các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Nhưng thông qua lỗi của con người hoặc các yếu tố khác, hầu hết các vụ cháy là có hại cũng do con người gây ra. Các cộng đồng phần lớn thường dựa vào cảnh quan rừng để kiếm tìm nguồn thức ăn và tạo sinh kế nhưng cũng chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các đám cháy có hại. Tuy nhiên, họ cũng chính là những người có thể quản lý tốt nhất các vụ cháy rừng.
Tại sao dự án lại quan trọng đối với khu vực
Cháy rừng cực đoan đang đe dọa sức khỏe con người bằng cách làm nhiễm độc không khí mà chúng ta đang hít thở và phá hủy các khu rừng có vai trò duy trì sinh kế và đa dạng sinh học ở địa phương. Số vụ cháy rừng trong khu vực đang gia tăng, quy mô và cường độ của chúng cũng leo thang. Cuộc khủng hoảng này càng nặng nề hơn bởi biến đổi khí hậu và việc thay đổi sử dụng đất. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc dự đoán sự gia tăng toàn cầu về các đám cháy cực đoan lên tới 14% vào năm 2030, 30% vào cuối năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này.
Bởi vì biến đổi khí hậu có khả năng làm tăng thêm tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng nên nhu cầu về các giải pháp giảm thiểu là rất cấp bách. Tác động xuyên biên giới của khói và khói mù từ các đám cháy cho chúng ta thấy mức độ nghiêm trọng và phạm vi toàn cầu của vấn đề này. Suy thoái môi trường và sức khỏe cộng đồng xấu đi là một trong nhiều tác động tiêu cực của cháy rừng khi mùa cháy dài hơn và các vụ cháy cũng thường xuyên hơn. Khói và khói mù từ các vụ cháy rừng gây ảnh hưởng nghiệm trọng với sức khỏe của người dân như tỷ lệ mắc bệnh hô hấp và tim mạch tăng, làm gia tăng khả năng nhập viện trong mùa cháy. Nghiên cứu cho chúng ta thấy rằng, các phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng, lấy con người làm trung tâm đang chứng minh là có hiệu quả.
Nhiều cộng đồng mà RECOFTC hợp tác, khu vực có nguy cơ cháy rừng cao là nơi triển khai ý tưởng thí điểm các phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng để quản lý cháy rừng nhằm nhân rộng trên khắp khu vực hạ lưu sông Mekong. Cộng đồng được tham gia vào tất cả các giai đoạn của dự án, qua đó trao quyền cho họ sử dụng kiến thức của mình và đảm bảo rằng, các chính sách, kế hoạch và thực tiễn sẽ phản ánh và hỗ trợ cho cách sống của họ. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhấn mạnh sự hòa nhập một cách công bằng của phụ nữ, thanh niên và các nhóm yếu thế khác trong cộng đồng.
Các hoạt động chính của dự án
Dự án CBFiM giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cháy rừng và hậu quả về sinh thái, xã hội của chúng. Các hoạt động được thiết kế để đáp ứng nhu cầu và giải quyết thách thức của các quốc gia, tỉnh và cộng đồng.
Dự án sẽ:
- Tăng cường chính sách, lập kế hoạch và thực hiện quản lý cháy rừng dựa vào cộng đồng
- Thúc đẩy phát triển và sử dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu cộng đồng
- Tạo điều kiện chia sẻ kiến thức để cải thiện chính sách và thực hiện quản lý cháy rừng
Tăng cường chính sách, lập kế hoạch và thực hiện quản lý cháy rừng dựa vào cộng đồng
Chúng tôi đang hỗ trợ tăng cường chính sách, kế hoạch và thực hiện quản lý cháy rừng dựa vào cộng đồng và đảm bảo chúng được lồng ghép và thực hiện ở địa phương, tỉnh và quốc gia. Đầu tiên, chúng tôi sử dụng phương pháp có sự tham gia của tất cả các bên liên quan để đánh giá các chính sách, thực tiễn; nhận thức, năng lực và sự ưu tiên của các bên liên quan. Sau đó, chúng tôi tăng cường năng lực để hợp tác, phát triển và thực hiện kế hoạch quản lý cháy rừng dựa vào cộng đồng. Kế hoạch này sẽ liên quan đến nhiều phương pháp quản lý rừng và cháy rừng bao gồm giám sát, tuần tra, dập lửa, làm cỏ, canh tác, trồng trọt, phục hồi rừng và thúc đẩy tái sinh tự nhiên... Cộng đồng sẽ tham gia vào tất cả các giai đoạn để tận dụng kiến thức của họ và đảm bảo rằng, các chính sách, kế hoạch và thực tiễn sẽ phản ánh và hỗ trợ cách sống của họ. Trong tất cả các công việc này, chúng tôi nhấn mạnh sự đảm bảo công bằng của phụ nữ, thanh niên và các nhóm bị thiệt thòi khác.
Thúc đẩy phát triển và sử dụng công nghệ phù hợp với cộng đồng
Chúng tôi làm việc để đảm bảo rằng, các công cụ và công nghệ được định hình bởi nhu cầu và kinh nghiệm của cộng đồng được sử dụng rộng rãi nhằm hỗ trợ quản lý cháy rừng. Điều này liên quan đến việc đánh giá các công cụ và công nghệ mà cộng đồng đang sử dụng hoặc có khả năng sử dụng để quản lý hỏa hoạn thông qua việc thu thập, truy cập dữ liệu và thông tin. Chúng tôi tạo điều kiện kết nối giữa các nhà phát triển công nghệ và cộng đồng để đảm bảo cộng đồng nhận thức được các công nghệ kỹ thuật số có thể giúp họ quản lý cháy rừng hiệu quả hơn. Những kết nối này cũng cho phép các nhà phát triển công nghệ hiểu rõ hơn về nhu cầu và lợi ích của cộng đồng. Ví dụ: các nhà phát triển có thể không hiểu rõ được cộng đồng cần các ứng dụng di động bằng ngôn ngữ địa phương để đánh giá và cảnh báo họ về nguy cơ, thiệt hại của cháy rừng. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ tập huấn để giúp cộng đồng sử dụng được các công cụ và công nghệ mới đó.
Tạo điều kiện chia sẻ kiến thức để cải thiện chính sách và thực tiễn quản lý cháy rừng
Ở Đông Nam Á, cháy rừng là một vấn đề xuyên biên giới: khói, khói mù và việc phá hủy cảnh quan do lửa không tính đến biên giới quốc gia. Đó là lý do tại sao các giải pháp đối với mối đe dọa cháy rừng leo thang cũng phải xuyên biên giới. Chúng tôi thu hút sự tham gia của cộng đồng, các cấp chính quyền trong các quốc gia, các tổ chức ở hạ lưu sông Mekong, khu vực ASEAN và các tổ chức toàn cầu khác cung cấp nguồn dữ liệu và thông tin quan trọng. Bằng cách chia sẻ các phương pháp tốt nhất, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, bằng cách chia sẻ dữ liệu, thông tin và phân tích ở tất cả các cấp, chúng ta cũng có thể học hỏi, rút kinh nghiệm để cải thiện công tác dự báo, phòng chống cháy rừng.
Thông qua dự án này, chúng tôi sẽ tài liệu hóa và chứng minh thực tiễn tốt nhất giúp cộng đồng và chính phủ chia sẻ rộng rãi những đổi mới cũng như các sáng kiến học tập và đào tạo của RECOFTC thông qua mạng lưới của họ. Một khía cạnh quan trọng của công việc này là hiểu, đánh giá và chia sẻ kiến thức địa phương và các thực hành truyền thống để ngăn ngừa hỏa hoạn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào việc thu hút các nhà hoạch định chính sách của quốc gia, khu vực ASEAN cũng như các nhà hoạch định chính sách khác nhằm thúc đẩy xây dựng các chính sách và các giải pháp xuyên biên giới.
Thời gian thực hiện
Dự án sẽ kéo dài trong hai năm, bắt đầu từ ngày 1/10/2022 và kết thúc vào ngày 30/9/2024.
Đối tác dự án
Dự án CBFiM được thực hiện thông qua thỏa thuận hợp tác năm năm giữa Tổng cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ và RECOFTC.
Liên hệ
Marina Tornorsam, Điều phối viên Dự án Khu vực, Quản lý cháy rừng dựa vào Cộng đồng